10:05, 06/05/2020

Mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19: Thực hiện đúng quy định

Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa mua sắm các trang thiết bị để đáp ứng kịp thời công tác chống dịch.

Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa mua sắm các trang thiết bị để đáp ứng kịp thời công tác chống dịch. Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết:

 


- Ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, Khánh Hòa ghi nhận có 1 ca dương tính; được chỉ định thực hiện cách ly tập trung hàng trăm người từ các nước trở về. Cùng với đó, tỉnh có sân bay quốc tế, trung tâm về du lịch và dịch vụ nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng rất lớn. Để đáp ứng kịp thời công tác chống dịch, đồng thời tránh lãng phí, trùng lặp, Sở Y tế đã cho rà soát và tận dụng các trang thiết bị y tế ở các đơn vị trực thuộc đưa vào chống dịch; đồng thời tham mưu UBND tỉnh mua thêm một số trang thiết bị thật sự cấp thiết cho công tác trên như: máy đo thân nhiệt từ xa, cầm tay, máy thở, X-quang di động, máy theo dõi bệnh nhân, máy phun phòng dịch… Những thiết bị được Sở Y tế đề xuất mua sắm đều nằm trong danh mục hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Sau khi hết dịch, các thiết bị này sẽ được các đơn vị đưa vào điều trị bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.  


- Ông có thể cho biết cụ thể số lượng trang thiết bị mua sắm cũng như giá trị từng gói thầu?


- Theo đề xuất của Sở Y tế và dựa vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã cấp kinh phí cho Sở Y tế mua sắm 3 đợt. Trong đó, đợt 1 và đợt 2 đã hoàn tất, các trang thiết bị đã được đưa vào sử dụng.


Cụ thể, đợt 1 được triển khai trong tháng 2, gói mua sắm có trị giá hơn 6,1 tỷ đồng, gồm 73 thiết bị. Trong gói thầu này, có 2 máy đo thân nhiệt từ xa của hãng Omni sense Systems - Singapore sản xuất có giá tiền cao nhất, hơn 1,5 tỷ đồng/bộ. Các trang thiết bị y tế khác gồm: 10 máy theo dõi oxy, 2 máy thở; 3 máy monitor theo dõi bệnh nhân 7 thông số; 1 máy phun xử lý không khí; 50 nhiệt kế đo trán cầm tay; 2 máy phun phòng dịch chạy xăng; 2 bộ đàm; 2 máy phun sương phòng dịch chạy điện. Đợt 2 gồm 2 máy thở có giá hơn 1 tỷ đồng. Gói mua sắm đợt 3 (trong tháng 4) có trị giá 32 tỷ đồng với 61 thiết bị, gồm: 2 máy đo thân nhiệt từ xa; 1 máy thở người lớn - trẻ sơ sinh; 15 máy thở người lớn - trẻ em; 12 máy thở xách tay; 4 máy X-quang di động; 27 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số. Đối với gói thầu này, một số danh mục đã được đấu thầu xong, đã lắp đặt đưa vào hoạt động; một số máy vẫn đang giai đoạn đấu thầu. Dự kiến trong tháng 5, gói thầu này sẽ hoàn thành.


Trong kinh phí thực hiện mua sắm trang thiết bị trên, có một phần kinh phí từ nguồn mua sắm trang thiết bị y tế hàng năm của ngành.


- Hiện nay, một số tỉnh, thành có dấu hiệu vi phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch Covid-19. Tại Khánh Hòa, việc mua sắm trang thiết bị được thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Quy trình mua sắm các thiết bị y tế trong đợt dịch Covid-19 đều được Sở Y tế thực hiện theo đúng Luật Đấu thầu. Các gói thầu trên đều được Sở Y tế tổ chức cho đấu thầu công khai, đưa tất cả thông tin lên mạng. Sau khi trúng thầu, thông tin về đơn vị và gói thầu đều được đăng công khai trên Báo Đấu Thầu (Dauthau.vn) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


- Được biết, Sở Y tế đang đề xuất UBND tỉnh mua máy xét nghiệm Realtime PCR. Hiện nay, dịch Covid-19 đang được khống chế tốt, việc mua thêm thiết bị này có lãng phí không, thưa ông?


- Việc đề xuất mua máy xét nghiệm Realtime PCR xuất phát từ nhu cầu thực tế trong công tác chống dịch ở tỉnh. Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, tất cả các mẫu bệnh phẩm của tỉnh được đưa về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Sau khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Viện Pasteur Nha Trang thực hiện xét nghiệm cho 11 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên nên dẫn tới tình trạng quá tải.


Cuối tháng 3, đầu tháng 4, tỉnh được chỉ định thực hiện cách ly tập trung gần 800 người ở nước ngoài trở về. Theo quy định của Bộ Y tế, những người này sau 14 ngày cách ly phải qua 2 lần xét nghiệm âm tính mới được công nhận hoàn thành việc cách ly. Theo kế hoạch dự kiến, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đón và thực hiện cách ly tập trung khoảng 1.220 người từ nước ngoài trở về. Từ thực tế trên, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế mới đề xuất UBND tỉnh mua máy Realtime PCR.


Hệ thống máy Realtime PCR ngành Y tế đề xuất dự kiến mua không chỉ thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 mà nó có thể thực hiện các xét nghiệm khác như: viêm gan B, C; sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số vi rút khác. Sau khi hết dịch, máy xét nghiệm này sẽ được dùng cho công tác phòng, chống nhiều dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh.


Hiện nay, gói thầu mua máy xét nghiệm đang ở giai đoạn thẩm định giá. Gói thầu này, Sở Y tế vẫn thực hiện đấu thầu công khai.


- Xin cảm ơn ông!


Thảo Ly (Thực hiện)