10:12, 03/12/2019

Cam Lâm: Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết  tại Cam Lâm. Qua kiểm tra cho thấy, huyện có nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết nếu không có những biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa vừa kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại Cam Lâm. Qua kiểm tra cho thấy, huyện có nguy cơ bùng phát bệnh SXH nếu không có những biện pháp phòng, chống hiệu quả.


Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế khu tập thể của công nhân và 20 hộ thuộc thôn Đồng Cau, xã Suối Tân cùng 2 trường học trên địa bàn huyện. Kết quả, chỉ số muỗi, số dụng cụ chứa nước có lăng quăng ở những khu vực được kiểm tra ở ngưỡng rất cao so với quy định; người dân vẫn còn lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, tại khu tập thể của công nhân ở thôn Đồng Cau, khi đoàn tới kiểm tra có đến 80% hộ ở đây không có mặt tại nhà. Còn các hộ xung quanh khu tập thể, hầu như nhà nào cũng có muỗi hoặc lăng quăng, có hộ còn có người bị bệnh SXH. Đây là thực trạng khiến xã Suối Tân trở thành điểm nóng về SXH trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay với 111 ca mắc, 8 ổ dịch.

 

Đoàn kiểm tra các dụng cụ chứa nước ở một hộ dân thôn Đồng Cau.

Đoàn kiểm tra các dụng cụ chứa nước ở một hộ dân thôn Đồng Cau.


Ông Nguyễn Hữu Nghị - Trưởng thôn Đồng Cau cho biết: “Khu vực này địa bàn rộng, chủ yếu công nhân ở. Do tính chất công việc đi sớm về khuya, nên cán bộ y tế khó có thể tiếp cận tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH tại đây. Chúng tôi nhiều lần tổ chức đi tuyên truyền vào 16 hoặc 17 giờ nhưng khi đến nơi thì công nhân lại phải tăng ca nên rất ít khi gặp được họ. Đối với các hộ dân, chúng tôi tuyên truyền thường xuyên, nhắc nhở họ phải đổ nước ở các lọ hoa trên bàn thờ, các dụng cụ chứa nước để phòng bệnh SXH, nhưng khi kiểm tra lại vẫn thấy có lăng quăng”.


Thống kê từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận 625 ca mắc SXH (tăng 298 ca so với cùng kỳ năm trước), phát hiện, xử lý 57 ổ dịch. Bệnh SXH có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn huyện từ tháng 10. Theo đó, nếu từ tháng 6 đến tháng 9, mỗi tháng huyện ghi nhận từ 30 đến 40 ca mắc mới SXH, thì trong tháng 10, toàn huyện ghi nhận 74 ca, đến tháng 11 tăng lên 101 ca.


Thời tiết mưa nắng thất thường, người dân lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bùng phát SXH tại địa phương. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn đã quan tâm tới công tác phòng, chống bệnh SXH, tuy nhiên vẫn có địa phương còn lơ là; khi phun thuốc diệt muỗi, một số hộ đóng cửa; các đợt triển khai diệt lăng quăng chưa thật hiệu quả, chưa bao phủ hết, nhiều hộ còn bỏ sót hoặc làm qua loa…

 
Ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định: “Cam Lâm là địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi có rất nhiều khu công nghiệp, khu tập thể công nhân. Sau khi kiểm tra, đoàn đã yêu cầu huyện cần chú trọng hơn nữa trong công tác phòng, chống bệnh SXH; phải đẩy mạnh truyền thông theo hướng người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, diệt lăng quăng ngay tại nhà. Ngành Y tế tích cực phối hợp với ban, ngành, đoàn thể triển khai các đợt diệt lăng quăng, đặc biệt tập trung ở những địa bàn trọng điểm, không để bệnh SXH bùng phát thành dịch. Đồng thời, các nhân viên y tế phải nỗ lực tiếp cận tuyên truyền cho người dân. Có như vậy, huyện mới có thể khống chế được các ca SXH trong thời gian tới”.


Để chủ động phòng, chống bệnh, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát, ngành Y tế huyện Cam Lâm đang đẩy mạnh công tác phối hợp với đoàn thanh niên chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân, học sinh cách loại trừ lăng quăng phòng bệnh SXH. Tuy nhiên, sự chủ động vào cuộc của ngành Y tế vẫn là chưa đủ, quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành của cộng đồng, xã hội, nhất là sự tự giác phòng bệnh ở mỗi gia đình.

 
C.Đan