Hiện nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Khánh Hòa rơi vào nhóm cao của cả nước. Vì vậy, ngành Dân số cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi để can thiệp có hiệu quả.
Hiện nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Khánh Hòa rơi vào nhóm cao của cả nước. Vì vậy, ngành Dân số cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi để can thiệp có hiệu quả.
Gia tăng mất cân bằng giới tính
Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh đang rơi vào nhóm mất cân bằng cao, khoảng 110,4 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Những địa phương có tỷ lệ này cao là: Diên Khánh 120 bé trai/100 bé gái, Ninh Hòa 119 bé trai/100 bé gái, Vạn Ninh 116 bé trai/100 bé gái... Tình trạng này có chiều hướng tiếp tục tăng ở các địa phương.
Bên cạnh đó, công tác DS thời gian qua có nhiều thay đổi do các trung tâm DS-KHHGĐ sáp nhập về trung tâm y tế, làm ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù ngành DS đã triển khai nhiều chương trình hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và các văn bản, chính sách khác, tăng cường truyền thông, vận động và can thiệp, song tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn có dấu hiệu gia tăng... Ông Nguyễn Minh Tuấn - cán bộ truyền thông DS-KHHGĐ huyện Cam Lâm cho biết, 8 tháng năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của huyện là 117 trẻ nam/100 trẻ nữ. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức của một số người dân về chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em còn hạn chế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, công tác thông tin - giáo dục - truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em chưa thật sâu rộng…
Theo bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, nguyên nhân của việc mất cân bằng giới tính khi sinh bắt nguồn từ việc các gia đình thích sinh con trai. Truyền thống đó ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ, khiến các gia đình rất khó thay đổi nhận thức, hành vi. Mặt khác, việc can thiệp giới tính thai nhi vẫn xảy ra. Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của ngành trong việc duy trì sự cân bằng giới tính.
Đẩy mạnh truyền thông để thay đổi hành vi
Trong kế hoạch thực hiện Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS - phát triển tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, một trong những vấn đề quan trọng là tăng cường hiểu biết và thay đổi hành vi về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tạo dư luận ủng hộ những người phát hiện, ngăn chặn các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, góp phần giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết về các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi và 70% nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đồng ý không lựa chọn giới tính thai nhi; 80% vị thành niên, thanh niên từ 15 đến 24 tuổi có đầy đủ kiến thức về các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi... |
Bà Trần Thị Kim Oanh cho biết: “Những năm qua, ngành DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng chưa đạt được yêu cầu. Lý do là các biện pháp đó còn chú trọng nhiều về kỹ thuật như: Cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính..., trong khi biện pháp căn bản nhất là thay đổi tư duy người dân để họ thay đổi hành vi thì chưa đạt nhiều kết quả”.
Theo bà Oanh, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức đúng về bình đẳng giới là quan trọng nhất để thiết lập lại sự cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh. Khi ấy, mọi người sẽ tự giác không tham gia quá trình lựa chọn giới tính trước sinh. Ngoài ra, ngành chức năng cần chú trọng vận động đối tượng nam giới và người cao tuổi tại các địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi, có các chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm.
Thời gian tới, song song với việc triển khai các nội dung nâng cao chất lượng DS, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng công tác truyền thông bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, truyền thông bằng công nghệ cao, hoặc sử dụng các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường các buổi truyền thông theo từng nhóm đối tượng phù hợp; mở các lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế và cộng tác viên về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của trẻ em gái, hạn chế việc lựa chọn giới tính thai nhi.
THANH TRÚC