Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (hay huyết áp tối đa, số ở trên) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (hay huyết áp tối thiểu, số ở dưới) ≥ 90mmHg. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân mắc tăng huyết áp ở mức cao, 25% người lớn từ 25 tuổi trở lên mắc tăng huyết áp và tỷ lệ này ngày càng gia tăng.
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (hay huyết áp tối đa, số ở trên) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (hay huyết áp tối thiểu, số ở dưới) ≥ 90mmHg. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân mắc tăng huyết áp ở mức cao, 25% người lớn từ 25 tuổi trở lên mắc tăng huyết áp và tỷ lệ này ngày càng gia tăng.
Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm và không có biểu hiện cảnh báo, nhưng gây biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Một số biến chứng của tăng huyết áp như: tiểu ra máu, suy thận, xuất huyết, xuất tiết võng mạc, nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não… Đa số các trường hợp tăng huyết áp ở người trưởng thành không tìm ra nguyên nhân, nhưng có một số yếu tố được chứng minh làm tăng nguy cơ tăng huyết áp: ăn mặn; hút thuốc lá, thuốc lào; uống nhiều rượu, bia; ít vận động thể lực; căng thẳng, lo âu quá mức; mắc các bệnh về thận, đái tháo đường; rối loạn chuyển hóa mỡ máu; béo phì; tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc tăng huyết áp; gia đình có người mắc tăng huyết áp. Trong các yếu tố trên, thói quen ăn nhiều muối (ăn mặn) làm gia tăng đáng kể chỉ số huyết áp của mỗi người.
Muối (bao gồm: muối, nước mắm, nước tương, bột canh, mì chính…) là gia vị không thể thiếu trong chế biến các món ăn hàng ngày. Muối có vai trò quan trọng trong sự tồn tại và hoạt động bình thường của các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người chỉ nên ăn không quá 5gam muối mỗi ngày, đối với trẻ em nhu cầu muối ít hơn. Trên thực tế, mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam hiện nay vào khoảng 10 đến 15gam muối mỗi ngày, cao gấp 2 đến 3 lần so với khuyến nghị. Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc các bệnh: tim mạch, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương... Đặc biệt, lượng muối tiêu thụ hàng ngày là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến số đo huyết áp, ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Để phòng tăng huyết áp, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động thể lực, duy trì cân nặng ở giới hạn hợp lý, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu, bia, thì việc thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, đặc biệt là ăn giảm muối đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Mọi người cần thực hiện ăn giảm muối, đảm bảo lượng muối đưa vào cơ thể dưới 5gam mỗi ngày. Đối với người đã mắc bệnh, cần giảm ăn muối hơn nữa theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Cách ước lượng 5gam muối trong các loại gia vị: 5gam tương đương 1 thìa cafe đầy; bột canh: 8gam tương đương 1,5 thìa cafe đầy; hạt nêm: 11gam tương đương 2 thìa cafe đầy; nước mắm: 26gam tương đương 2,5 thìa canh đầy; xì dầu: 35gam tương đương 3,5 thìa canh đầy. Một số biện pháp để giảm muối: cho bớt muối, nước mắm, bột canh, bột ngọt khi chế biến thức ăn. Bỏ hoặc giảm việc để muối và gia vị trên bàn ăn. Đây là nguồn cung cấp muối chủ yếu, chiếm 70 - 80% tổng lượng muối ăn đưa vào cơ thể. Hạn chế các thực phẩm mặn như: dưa, cà muối, thức ăn nhanh (bim bim, mì ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn như: giò, chả, xúc xích, lạp xưởng, cá khô, thực phẩm đóng hộp…). Hiện nay, lượng muối đến từ các loại thực phẩm này chiếm khoảng 10 - 20% tổng lượng muối ăn vào cơ thể hàng ngày.
Một số người cho rằng ăn cứ ăn mặn sau đó uống nhiều nước để hòa loãng lượng muối là được. Đây là một quan niệm sai lầm vì việc uống nhiều nước không những làm giảm tổng lượng muối ăn vào cơ thể mà còn làm tăng thể tích máu nên càng góp phần làm tăng huyết áp. Vì vậy, để phòng bệnh tăng huyết áp nên “Cho bớt muối - Chấm nhẹ tay - Giảm ngay đồ mặn”.
Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)