09:12, 20/12/2018

Khan hiếm vắc xin: Do cầu vượt cung

Từ tháng 7-2018, khi vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 của chương trình tiêm chủng mở rộng hết hàng (nhà cung cấp ngưng sản xuất), do chưa có vắc xin mới thay thế, nhiều phụ huynh lo lắng đã đưa con em đến các điểm tiêm vắc xin dịch vụ. Cầu vượt quá cung khiến cho các điểm này rơi vào tình trạng khan hiếm, thiếu vắc xin.
 

Từ tháng 7-2018, khi vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 của chương trình tiêm chủng mở rộng hết hàng (nhà cung cấp ngưng sản xuất), do chưa có vắc xin mới thay thế, nhiều phụ huynh lo lắng đã đưa con em đến các điểm tiêm vắc xin dịch vụ. Cầu vượt quá cung khiến cho các điểm này rơi vào tình trạng khan hiếm, thiếu vắc xin.
 
Nhiều cha mẹ lo lắng
 
Ngoài thiếu hụt vắc xin 5 trong 1, hai điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ thuộc Viện Pasteur Nha Trang và Phòng tiêm chủng vắc xin Safpo 9 (TP. Nha Trang), còn thiếu cả vắc xin 6 trong 1 (phòng ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà, bại liệt, hib, viêm gan B) và vắc xin phế cầu. 
 
Chị Nguyễn Thị Ngọc Đào (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) cho biết: “Con tôi đã tiêm một mũi 5 trong 1 tại trạm y tế trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến mũi 2 thì ở trạm báo hết vắc xin và hướng dẫn tôi đến Viện Pasteur để tiêm cho đúng thời gian, nhưng đến đây cũng hết vắc xin. Con tôi đã được 6 tháng, trễ mũi tiêm thứ 2 gần 3 tháng. Không biết trễ lâu như thế có ảnh hưởng gì đến khả năng miễn dịch cho cháu không?”.  
 
Không riêng chị Đào, lo lắng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh khi nhận được thông báo hết những loại vắc xin trên từ các điểm tiêm dịch vụ. Chị Nguyễn Thị Oanh (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) đưa con 3,5 tháng tuổi đến Trung tâm Sinh học lâm sàng - Viện Pasteur để tiêm vắc xin 6 trong 1, nhưng do hết nên chị đành chuyển qua tiêm vắc xin khác cho con. Chị Oanh cho biết: “Tôi đưa con tới trạm y tế 2 lần nhưng vắc xin 5 trong 1 vẫn chưa có. Lo con quá độ tuổi tiêm chủng nên tôi đưa vào đây thì cũng nhận được thông báo tương tự. Tôi mong các đơn vị sớm có vắc xin để các cháu được tiêm chủng đúng thời gian”.
 
Theo thông tin từ 2 đơn vị này, nguyên nhân của tình trạng trên là do khoảng từ giữa tháng 7 đến nay số lượng trẻ đến tiêm vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 tăng đột biến, gấp 5, 6 lần so với trước đó. Do đó, lượng vắc xin ở các điểm này bị thiếu hụt trong khoảng 2 tháng gần đây. Trong khi đó, để đặt mua thêm vắc xin ở các nhà cung ứng nước ngoài, nhất là ở các nước châu Âu đòi hỏi những quy định nghiêm ngặt nên mất nhiều thời gian.

 

Tiêm chủng cho trẻ ở Viện Pasteur Nha Trang.
Tiêm chủng cho trẻ ở Viện Pasteur Nha Trang.
 
 
Sẽ cung ứng đủ trong thời gian tới
 
Hiện nay, tại Trung tâm Sinh học lâm sàng chỉ còn 50 liều vắc xin 5 trong 1; khoảng 150 liều vắc xin 6 trong 1 và một ít vắc xin phế cầu. Với lượng vắc xin ít ỏi còn lại, để đảm bảo cho phác đồ tiêm chủng của các cháu đạt hiệu quả, hiện nay, trung tâm chỉ ưu tiên cho những cháu tiêm mũi 2, 3. Đồng thời, kéo dãn thời gian tiêm giữa các mũi lên thêm từ 1 đến 2 tháng (phác đồ này vẫn đảm bảo tốt khả năng miễn dịch của các cháu). Đối với các cháu tiêm mới (tiêm mũi 1) phải chờ đến khi có vắc xin mới triển khai. 
 
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Sinh học lâm sàng - Viện Pasteur Nha Trang cho biết: “Dự kiến, khoảng giữa tháng 1-2019, các loại vắc xin này sẽ được cung ứng đầy đủ tại viện. Trong khi chờ đợi các loại vắc xin trên, phụ huynh có thể cho các cháu tiêm những loại vắc xin khác ngừa các bệnh: rota viurs, sởi, viêm màng não, não mô cầu… để bảo vệ cho trẻ. Phụ huynh không nên quá lo lắng, tuy độ tuổi tốt nhất tiêm vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi nhưng cũng có thể kéo dài đến 12 tháng trẻ vẫn đảm bảo được miễn dịch tốt sau tiêm chủng”. 
 
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt các loại vắc xin trên, ngoài việc ưu tiên vắc xin cho các cháu tiêm mũi 2 và mũi 3, Phòng tiêm chủng vắc xin Safpo 9 đã nhập và triển khai tiêm loại vắc xin 4 trong 1 (ngừa các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, bại liệt) của Pháp, đồng thời tư vấn cho phụ huynh tiêm thêm 2 liều vắc xin HIB (viêm màng não) và viêm gan B để đảm bảo đúng phác đồ tiêm chủng. Đại diện lãnh đạo phòng tiêm Safpo 9 cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực liên hệ với các nhà cung cấp để có vắc xin trong thời gian sớm nhất phục vụ nhu cầu của người dân”. 
 
 

 

Hiện nay, tại các trạm y tế trên địa bàn tỉnh vẫn tiến hành định kỳ hàng tháng triển khai tiêm chủng 5 loại vắc xin ngừa các bệnh: bại liệt, lao, sởi, viêm não Nhật Bản B, Rubella nằm trong danh mục của chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 5 tuổi. Tất cả các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được miễn phí hoàn toàn do ngân sách nhà nước cấp.

 
Tình trạng thiếu 3 loại vắc xin trên không chỉ ở Khánh Hòa mà diễn ra cục bộ trên cả nước. Được biết, do phía Hàn Quốc ngưng sản xuất vaccine Quinvaxem nên Bộ Y tế sẽ sử dụng vaccine ComBe Five của Ấn Độ để thay thế. Hiện nay, vaccine ComBe Five đã được nhập về Việt Nam và đang trong giai đoạn test thử nghiệm. Dự kiến, khoảng tháng 1-2019, vắc xin 5 trong 1 ComBE Five thay thế cho vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng mới được đưa về tỉnh và sẽ triển khai tiêm chủng đồng loạt tại các trạm y tế.
 

 

T.Ly