Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4, sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Dự báo đến năm 2020, số người mắc COPD sẽ tăng lên gấp 3, 4 lần và đứng hàng thứ 3 tỷ lệ gây tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4, sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Dự báo đến năm 2020, số người mắc COPD sẽ tăng lên gấp 3, 4 lần và đứng hàng thứ 3 tỷ lệ gây tử vong.
COPD là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn và bệnh tiến triển nặng lên liên tục. Bệnh nặng lên ở các đợt cấp với các biểu hiện như khó thở tăng, ho, khạc đờm tăng, sốt và bệnh nhân có thể tử vong nếu bệnh nặng hơn. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy tình trạng mắc COPD làm cho người bệnh có cảm giác lo lắng, thấy mình trở nên vô dụng, phụ thuộc người khác, do đó gia tăng khả năng bị trầm cảm.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thế Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, những người có nguy cơ cao mắc COPD là người nghiện hút thuốc lá. Những yếu tố nguy cơ khác của COPD bao gồm: tiếp xúc khói, bụi nghề nghiệp; khói bếp than, khói củi, rơm rạ; nhiễm trùng hô hấp; các trường hợp thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin. Vì thế, đối với những bệnh nhân mắc COPD, cần tuân thủ nghiêm túc các chỉ dẫn điều trị của bác sĩ như bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc; dùng thuốc giãn phế quản và corticoid phù hợp, đầy đủ; tiêm phòng vắc-xin cúm và phế cầu. Bệnh nhân nên duy trì tinh thần lạc quan, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện với mức độ phù hợp để nâng cao tình trạng sức khỏe. Qua đó, bệnh có thể được kiểm soát, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thạc sĩ Tài cho biết, năng lượng cần cho bệnh nhân COPD cao gấp 10 lần so với người bình thường. Do khó thở thường xuyên nên việc ăn uống ở bệnh nhân COPD thường là khó khăn. Bệnh nhân có xu hướng ăn ít hơn và điều này dễ dẫn tới suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng lâu ngày làm hệ cơ nói chung, trong đó có các cơ hô hấp bị teo nhỏ hoặc giảm sức co bóp. Khi đó, các cơ dễ bị “mệt” và hiện tượng này là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các đợt cấp của bệnh. Tình trạng suy dinh dưỡng cũng là nguyên nhân khiến cho hệ miễn dịch bị suy giảm và bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn. Khi đã bị nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn phổi, tình trạng suy hô hấp sẽ ngày càng nặng lên và khởi phát đợt cấp. Bệnh nhân COPD bị khó thở liên tục, tần số thở cao hơn người bình thường nên lượng nước mất qua đường hô hấp cũng khá lớn. Vì vậy, nếu không uống đủ nước, bệnh nhân sẽ chóng mệt cơ, đờm dãi bị khô đặc không tống ra ngoài được gây tắc nghẽn các tiểu phế quản nhỏ và nhiễm khuẩn sẽ xảy ra. Trái lại, nếu ăn uống quá nhiều cũng sẽ không tốt, gây thừa cân, béo phì làm tình trạng bệnh cũng xấu đi.
Vì thế, bệnh nhân COPD cần đảm bảo cân nặng lý tưởng. Nếu tăng hoặc giảm khoảng 2 kg/tuần, phải lập tức tới khám tại bệnh viện. Chú ý tới các yếu tố ảnh hưởng tới cân nặng nhanh như dùng thuốc lợi tiểu, dùng thuốc loại corticoid... Người bị COPD nên uống đủ lượng nước với số lượng khoảng 2,5 - 3 lít/ngày. Ăn giảm muối, luôn đảm bảo ở mức dưới 3g (khoảng một thìa café nhỏ)/ngày. Đồng thời, tránh ăn quá nhiều tinh bột và các thực phẩm dễ sinh hơi như: hành tây, bắp cải, súp lơ và một số loại gia vị như hạt tiêu, tỏi, ớt... Các thức ăn này dễ làm tăng sinh CO2 máu và sinh hơi gây trướng bụng làm bệnh nhân khó thở và dễ trào ngược, sặc phổi. Nên ăn đủ các chất xơ có trong rau xanh, hoa quả tươi để tránh táo bón và cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Người bị mắc COPD có thể đến khám và tư vấn tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa.
Bs TÔN THẤT TOÀN
(Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh)