Công việc nặng nhọc, trách nhiệm cao nhưng mức thu nhập, chế độ thu hút thấp… là nguyên nhân dẫn đến nhiều bác sĩ không muốn về làm việc tại tỉnh.
Bài 2: Chính sách đãi ngộ chưa hợp lý
Công việc nặng nhọc, trách nhiệm cao nhưng mức thu nhập, chế độ thu hút thấp… là nguyên nhân dẫn đến nhiều bác sĩ (BS) không muốn về làm việc tại tỉnh.
Chính sách thu hút chưa hợp lý
Trong thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 17 và 07 nhằm thu hút trí thức, hỗ trợ đào tạo sau đại học cho chung nhiều ngành, trong đó có BS. Tuy nhiên, do chế độ đãi ngộ chưa có gì đặc biệt, mức hưởng một lần quá thấp, chỉ từ 15 đến 60 triệu đồng nên đến nay toàn tỉnh chỉ thu hút được 132 BS.
Đưa ra nguyên nhân khó tuyển được BS, ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho rằng, do một bộ phận sinh viên theo học ngành Y thường chọn các thành phố lớn để tìm cơ hội vào bệnh viện (BV) tuyến trung ương chứ không chịu về tỉnh. Y tế tư nhân ở tỉnh phát triển, lương cao, cơ sở vật chất phát triển nên cũng kéo mất một lượng BS ở các cơ sở y tế công. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại BV từ tuyến huyện xuống xã còn hạn chế, nên các y, BS không thể phát huy tay nghề, cũng là nguyên nhân khiến họ không muốn về địa phương công tác. Ngoài ra, chế độ thu hút ở tỉnh thấp không chỉ khó tuyển mà còn khó giữ chân các BS ở lại làm việc.
Theo tính toán của BS Nguyễn Hồng Quang - nguyên Giám đốc BV Đa khoa khu vực Cam Ranh, mức thu nhập hiện nay của một BS mới ra trường khoảng 7 triệu đồng/tháng, đối với BS làm hơn 30 năm là khoảng 14 triệu đồng/tháng… “Công việc nặng nhọc, trực gác liên tục, trách nhiệm cao nhưng thu nhập quá thấp, nếu tỉnh không có chế độ đãi ngộ đặc biệt thì tình trạng thiếu BS sẽ tiếp tục kéo dài”, BS Quang nói.
Một BS làm việc tại BV tuyến tỉnh cho biết: “Thu nhập của BS làm việc hơn 10 năm chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng, thấp hơn 4 - 5 lần so với các BS làm ở BV tư nhân. Đối với các BS làm việc ở các BV chuyên khoa lao, tâm thần, mức thu nhập còn thấp hơn”. Theo BS này, ngành Y là một nghề được đào tạo đặc biệt, liên quan đến tính mạng con người, điểm đầu vào thường đứng đầu ở các trường đại học công lập; thời gian đào tạo khá dài (6 năm), chi phí tốn kém, ra trường phải làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm, độc hại. Vì vậy, hầu hết các BS đều muốn tìm môi trường công tác tốt để có điều kiện phát huy năng lực và có thu nhập tương xứng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ để thu hút quá thấp nên không níu chân được các BS về làm việc.
Sẽ tăng mức hỗ trợ và đối tượng
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã và đang xây dựng Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 17 và 07 của HĐND tỉnh cho riêng ngành Y tế với mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 8 BS/10.000 dân vào năm 2020 để trình HĐND.
Theo dự thảo, có 4 chính sách sẽ được sửa đổi bổ sung. Theo đó, chính sách hỗ trợ 1 lần cho BS có nguyện vọng về công tác tại các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế chỉ tập trung cho BS đào tạo chính quy công lập (hệ 6 năm) và tùy đơn vị công tác có mức hỗ trợ khác nhau. Những BS nhận công tác tại các đơn vị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố (trong đó có cả phòng khám đa khoa khu vực trạm y tế xã), Bệnh viện BV Lao và Bệnh phổi, Chuyên khoa Tâm thần, Bệnh nhiệt đới, Khoa Phong thuộc BV Da liễu, Trung tâm Pháp y, Cấp cứu 115, một số khoa thuộc BV Đa khoa tỉnh, mức hỗ trợ là 30 triệu đồng đối với BS tốt nghiệp loại trung bình và khá; đối với BS tốt nghiệp loại giỏi, chuyên khoa 1, thạc sĩ 40 triệu đồng; BS nội trú 50 triệu đồng; chuyên khoa II, tiến sĩ 60 triệu đồng. Nếu nhận công tác tại huyện, xã miền núi, hải đảo từ 40 đến 70 triệu đồng.
Ở các đơn vị còn lại (giữ nguyên theo Nghị quyết 17) mức hỗ trợ từ 15 đến 45 triệu đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ tiền thuê nhà 1 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ không quá 60 tháng.
Đối với chính sách hỗ trợ thu nhập hàng tháng giữ nguyên theo Nghị quyết 17 và có bổ sung thêm một số đối tượng BS. Dự thảo cũng bổ sung chính sách đãi ngộ chuyên gia, chuyên khoa đầu ngành với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng.
Cần hoàn thiện hơn
Mới đây, tại hội thảo lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị về dự thảo sửa đổi nghị quyết do Sở Y tế tổ chức, phần lớn các đại biểu cơ bản đồng ý với nội dung sửa đổi, nhất là các chính sách giữ chân BS. Tuy nhiên, đối với mức hỗ trợ một lần nhiều ý kiến cho rằng quá thấp.
BS Ngô Thế Lâm - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp BV Đa khoa tỉnh kiến nghị: “Chi phí đào tạo BS rất lớn nên mức hỗ trợ 1 lần cần bằng các tỉnh, thành lân cận hoặc ít nhất nên tăng từ 3 - 5 lần so với mức cũ. Có như thế mới thu hút được BS về làm việc”. Bà Phạm Thị Khánh Hương - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: “Chính sách thu hút phải mang tính đủ mạnh, hấp dẫn, tuy nhiên mức hỗ trợ theo nghị quyết sửa đổi đề ra chưa thật sự hấp dẫn, còn mang tính dàn trải. Nếu sợ không đủ kinh phí, nên khoanh vùng đối tượng thu hút có trọng tâm, trọng điểm, ở những vùng khó khăn để tăng mức hỗ trợ”. Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý, hiện nay, tuyến huyện và các trạm y tế thiếu và khó tuyển BS, ở những đơn vị này không nên khoanh vùng chỉ hỗ trợ cho BS tốt nghiệp chính quy hệ công lập mà nên mở rộng cho tất cả các BS học ở các hệ khác.
Các đại biểu cũng đề nghị tăng mức hỗ trợ hàng tháng lên 1,5 lần cho BS làm việc ở chuyên khoa lao, tâm thần, pháp y; cần quy định rõ khái niệm chuyên gia đầu ngành; thêm đối tượng được hỗ trợ là dược sĩ lâm sàng…
BS Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện nay, dự thảo nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 17 và 07 của HĐND tỉnh đang ở giai đoạn lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan. Sau khi hoàn thiện các bước theo quy định, Sở Y tế sẽ trình UBND tỉnh để UBND tỉnh trình HĐND trong các kỳ họp sắp tới với mục tiêu để nghị quyết sửa đổi, bổ sung sớm được triển khai”.
CÁT ĐAN