Ngày 25, 26-9, tại TP. Nha Trang, Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu (PATH) tổ chức hội thảo công bố kết quả dự án nâng cao năng lực phát triển, sản xuất vắc xin cúm tại Việt Nam; đồng thời công bố IVAC đã sản xuất và thử nghiệm lâm sàng thành công vắc xin phòng cúm mùa và cúm A/H5N1.
Ngày 25, 26-9, tại TP. Nha Trang, Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu (PATH) tổ chức hội thảo công bố kết quả dự án nâng cao năng lực phát triển, sản xuất vắc xin cúm tại Việt Nam; đồng thời công bố IVAC đã sản xuất và thử nghiệm lâm sàng thành công vắc xin phòng cúm mùa và cúm A/H5N1. Nhiều chuyên gia, giáo sư, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước tham dự hội thảo. Đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đến dự.
Theo đó, vắc xin cúm mùa (IVACFLU-S) phòng 3 chủng vi rút H1N1, H3N2, B; vắc xin IVACFLY phòng chống cúm đại dịch A/H5N1. Các vắc xin này khi được cấp phép lưu hành có giá thành khoảng 80.000 - 100.000 đồng/liều, rẻ bằng 1/3 đến 1/2 so với vắc xin nhập khẩu. Theo kế hoạch phát triển của IVAC, trước mắt vắc xin này sẽ được tiếp cận thị trường tự do, sau đó sẽ đề xuất Bộ Y tế đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho những đối tượng có nguy cơ mắc cúm cao như: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Bé - Viện trưởng IVAC cho biết, hai vắc xin này bắt đầu được nghiên cứu từ năm 2010 và đã trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Kết quả, cả hai loại vắc xin đều an toàn và có khả năng đáp ứng miễn dịch ở người trưởng thành khỏe mạnh. IVAC đang xin đăng ký lưu hành cho 2 loại vắc xin. Đây là kết quả của 9 năm hợp tác nhằm tăng cường khả năng đáp ứng đại dịch và tiếp cận với vắc xin cúm mùa tại Việt Nam thuộc dự án “Nâng cao năng lực phát triển vắc xin cúm tại Việt Nam”.
Dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, IVAC đã sản xuất thử nghiệm thành công vắc xin cúm A/H7N9 trên dây chuyền quy trình “lõi” của nhà máy. IVAC đang hợp tác với WHO sản xuất kháng nguyên H7N9 từ chủng CVV (tái tổ hợp từ chủng độc lực cao) cung cấp cho NIBSC - Vương quốc Anh để điều chế chất chuẩn dung cho kiểm định vắc xin. |
Được biết, từ năm 2010, PATH đã hợp tác với Bộ Y tế triển khai dự án này thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn liên quan đến sản xuất và sử dụng vắc xin cúm, hướng dẫn thử nghiệm lâm sàng và hướng dẫn đăng ký vắc xin cúm. Đồng thời, PATH phối hợp với BARDA (Cơ quan Nghiên cứu Phát triển tiên tiến về y sinh học) và WHO (Tổ chức Y tế thế giới) hỗ trợ IVAC phát triển sản xuất vắc xin cúm mùa và cúm tiền đại dịch. Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Nga - quyền Trưởng Đại diện PATH khu vực Mê Kông cho biết, thành quả lớn lao của 9 năm hỗ trợ và hợp tác giữa PATH với IVAC chính là việc phát triển thành công vắc xin cúm mùa và cúm đại dịch với chất lượng cao, an toàn, hiệu quả với giá cả phải chăng. Nhờ đó, Việt Nam đã có thể chủ động đối với nguồn vắc xin, giúp duy trì năng lực sản xuất liên tục…
Ông Guido Torelli - đại diện cho WHO nhận định, các nguồn phát triển và sản xuất vắc xin cúm của thế giới hiện nay không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Điều này khiến nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp không thể tiếp cận được với vắc xin. Việc sản xuất thành công vắc xin cúm một cách bền vững đã thiết lập vị trí của Việt Nam trở thành một nhà tiên phong trong phát triển và sản xuất vắc xin ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Những nỗ lực của IVAC trong việc tự sản xuất vắc xin cúm trong nước sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, mà còn giúp tăng nguồn cung ứng vắc xin cúm trong khu vực và trên thế giới.
T.LY