Thành lập được hơn 3 năm, Khoa Y học Hải quân của Bệnh viện Quân y 87 đã cứu sống nhiều trường hợp nặng do tai nạn lặn bằng phương pháp điều trị Oxy cao áp.
Thành lập được hơn 3 năm, Khoa Y học Hải quân của Bệnh viện Quân y 87 đã cứu sống nhiều trường hợp nặng do tai nạn lặn bằng phương pháp điều trị Oxy cao áp.
Điều trị Oxy cao áp cho nhiều chứng bệnh
Tháng 3 vừa qua, Khoa Y học Hải quân tiếp nhận ngư dân Trần Văn Vàng (26 tuổi, tỉnh Ninh Thuận) nhập viện trong tình trạng hôn mê, liệt tứ chi do tai biến lặn khi đang đánh bắt thủy hải sản ở Ninh Thuận. Bệnh nhân được các y, bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực, đồng thời chỉ định điều trị tái tăng áp cấp cứu trong buồng Oxy cao áp. Qua 1 tháng điều trị kết hợp với tập vật lý trị liệu, bệnh nhân phục hồi sức khỏe hoàn toàn.
Ông Nguyễn Minh Đáng (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) cho biết, tháng 4 vừa qua ông bị tai biến xuất huyết não trong tình trạng hôn mê, liệt. Sau khi được hồi sức cấp cứu ổn định, ông được chuyển qua Khoa Y học Hải quân điều trị Oxy cao áp. Qua 10 lần điều trị, sức khỏe của ông đã hồi phục gần như hoàn toàn và đi đứng bình thường. Hiện nay, để phòng ngừa tái phát bệnh và hồi phục sức khỏe khi căng thẳng mệt mỏi, thỉnh thoảng ông tới bệnh viện để sử dụng dịch vụ Oxy cao áp.
Hơn 3 năm qua, Khoa Y học Hải quân Bệnh viện Quân y 87 đã điều trị thành công, cứu sống nhiều ngư dân bị tai biến lặn biển ở khu vực Trường Sa, Khánh Hòa và các tỉnh: Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận… bằng phương pháp trên. Các bệnh nhân khi ra viện đều phục hồi hoàn toàn và không để lại di chứng. Ngoài ra, khoa còn thực hiện các biện pháp điều trị đặc hiệu kết hợp với điều trị Oxy cao áp đối với nhiều bệnh như: ngộ độc khí lặn và hỏa hoạn, rối loạn tiền đình (mất thăng bằng), đau đầu, mất ngủ, giảm thính lực, điếc đột ngột, mù đột ngột, bỏng, sau tai biến mạch máu não, sau chấn thương sọ não, các vết loét lâu liền do tiểu đường và nguyên nhân khác… đều cho kết quả tốt.
Theo Đại tá, bác sĩ chuyên khoa I Lưu Văn Lệ - Trưởng khoa Y học Hải quân, nguyên lý phương pháp điều trị Oxy cao áp là dùng Oxy tinh khiết (100%) nén với áp suất cao hơn áp suất khí quyển thông thường để bệnh nhân thở. Việc thở Oxy tinh khiết với áp suất cao sẽ làm cho lượng Oxy hòa tan trong máu người bệnh tăng lên khoảng 20 lần. Qua đó, cung cấp đầy đủ Oxy đến các mô cơ thể, hạn chế các tổn thương do thiếu máu và chết tế bào; làm giảm viêm, phù nề, nhanh lành sẹo các vết thương do bỏng; hỗ trợ diệt các vi khuẩn kỵ Oxy tại vết thương và làm tan, giảm kích thước các bong bóng khí trong lòng mạch máu ở các bệnh nhân bị tai biến lặn...
Phương pháp điều trị an toàn
Tùy vào từng loại bệnh cụ thể, thời gian điều trị khoảng 1giờ/lần/ngày, đợt điều trị trung bình từ 10 đến 20 lần. Đây là một phương pháp điều trị rất an toàn, đã có từ lâu trên thế giới và chứng minh có hiệu quả.
Để thực hiện nhiệm vụ thu dung khám, cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân là quân nhân các đơn vị quân đội vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, quần đảo Trường Sa và nhân dân trong khu vực bị mắc các bệnh lý chuyên ngành y học dưới nước, y học lặn và y học cao áp lâm sàng, thời gian qua, Khoa Y học Hải quân đã được Bộ Quốc phòng đầu tư, trang bị 1 buồng Oxy cao áp tiêu chuẩn và 2 buồng Oxy cao áp đơn hiện đại, đồng bộ của Mỹ. Điểm đặc biệt của buồng Oxy cao áp tiêu chuẩn là y, bác sĩ có thể có mặt trong buồng để trực tiếp cấp cứu, theo dõi, hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị; đồng thời có thể điều trị cùng một lúc cho 6 người. Với 2 buồng đơn, do được làm bằng vật liệu trong suốt nên bệnh nhân trong khi nằm điều trị có thể xem ti vi qua màn hình đặt ở phía trên buồng. Đi cùng với đó, tại khoa hiện có 3 bác sĩ và 4 điều dưỡng viên đã được đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước về các chuyên ngành trên. Nhờ thế, hàng năm, khoa đã thực hiện hơn 2.500 lượt điều trị Oxy cao áp cho các đối tượng quân và dân; phối hợp thực hiện khám tuyển và giám định sức khỏe cho hàng ngàn quân nhân thuộc các lực lượng hoạt động trong môi trường dưới nước như: thủy thủ tàu ngầm, thợ lặn, đặc công nước; đồng thời tham gia các đội cấp cứu, tải thương đường không để đưa bệnh nhân từ khu vực quần đảo Trường Sa về đất liền điều trị…
Đại tá Trịnh Viết Thắng - Giám đốc Bệnh viện Quân y 87 cho biết, theo Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”, trong thời gian tới, Khoa Y học Hải quân sẽ trở thành 1 trong 6 Trung tâm y tế biển đảo có nhiệm vụ tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa - Telemedecine”.
T.Ly