Được triển khai từ năm 2014, đến nay, phương pháp điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone được đánh giá có hiệu quả cao, đem lại hy vọng làm lại cuộc đời, hòa nhập cộng đồng cho bệnh nhân
Được triển khai từ năm 2014, đến nay, phương pháp điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone được đánh giá có hiệu quả cao, đem lại hy vọng làm lại cuộc đời, hòa nhập cộng đồng cho bệnh nhân.
Kết quả tích cực
Mỗi buổi sáng, điểm cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tại 31 Lê Thành Phương, Nha Trang có nhiều lượt người bệnh đến nhận thuốc điều trị nghiện ma túy. Anh T.N. (TP. Nha Trang) nghiện ma túy gần 8 năm với 6 lần tự cai và cai nghiện bắt buộc. Từ khi uống Methadone, anh N. đã dần thoát được những cơn vật vã thèm thuốc. Anh N. cho biết: “Được các cán bộ y tế tư vấn, thăm khám, điều trị nên sau 2 tháng điều trị, tôi không còn thèm cảm giác “phê” ma túy nữa, sức khỏe được cải thiện. Hiện tại, tôi làm công việc chở nước đá giao cho các quán cà phê, có đủ thu nhập sinh sống…”.
Ông Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, cơ sở điều trị tại trung tâm hoạt động từ tháng 8-2014. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 3 cơ sở điều trị nghiện bằng thuốc Methadone tại TP. Nha Trang, Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và 2 cơ sở cấp phát thuốc tại huyện Diên Khánh, Vạn Ninh. Tổng số bệnh nhân đăng ký tham gia là 1.008 người; hiện nay 517 người đang được điều trị. Trong quá trình điều trị, chưa có bệnh nhân dừng điều trị do tác dụng phụ của Methadone hoặc bệnh nặng.
Theo đánh giá của các bác sĩ, việc điều trị nghiện ma túy bằng Methadone đã đạt được hiệu quả tích cực. Tỷ lệ bệnh nhân còn dùng heroin giảm còn 30,9% sau 3 tháng điều trị, 28,3% sau 6 tháng và 28% sau 9 tháng. Số bệnh nhân dùng chất gây nghiện khác giảm mạnh chỉ còn 4% sau 9 tháng điều trị. Ngoài ra, đây còn là giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả. Trước điều trị Methadone, có 7,1% bệnh nhân nhiễm HIV, sau 9 tháng điều trị, không phát hiện trường hợp nào nhiễm mới.
Bác sĩ Nguyễn Thị Chiên - Đội trưởng Đội Y tế dự phòng TP. Cam Ranh cho biết, 100% bệnh nhân thường xuyên được tư vấn về sức khỏe, lợi ích của việc điều trị bằng Methadone, chỉ định xét nghiệm HIV. Tất cả đều cho kết quả âm tính. Kết quả tích cực đó giúp cải thiện tinh thần của bệnh nhân.
Vẫn còn những khó khăn
Bác sĩ Nguyễn Đinh Hùng - Trưởng phòng Khám chuyên khoa và điều trị nghiện chất Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh: Khoảng 90% bệnh nhân tham gia điều trị nghiện ma túy bằng Methadone tuân thủ điều trị, chấp hành ngày càng tốt nội quy cơ sở, quy định chuyên môn; một số tìm được việc làm, có nhận thức, ý thức trách nhiệm với cuộc sống như: dự định lập gia đình, quan tâm chăm sóc gia đình tốt hơn, sức khỏe ngày càng được cải thiện... |
Bên cạnh những mặt đạt được, hiện nay, chương trình này còn gặp nhiều khó khăn. Đó là tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị, nguy cơ tái nghiện cao. Một số bệnh nhân bị gia đình ép buộc điều trị bằng Methadone nên có phần bất hợp tác với cơ sở điều trị, không đóng phí điều trị; sự phối hợp của các đơn vị chức năng trong việc bảo vệ trật tự tại địa bàn với các cơ sở điều trị chưa tốt; kinh phí cấp cho chương trình hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến tính bền vững của chương trình...
Bác sĩ Trần Văn Tin cho rằng, tỉnh nên có chương trình đào tạo lại và đào tạo chuyên sâu về điều trị nghiện ma túy bằng Methadone cho cán bộ, nhân viên đang làm công tác này; tăng cường công tác giáo dục và truyền thông. Ngoài ra cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của hệ thống chính trị, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tự nguyện, đơn vị chức năng trong việc vận động, hỗ trợ gia đình và cá nhân người nghiện. “Từ nay đến năm 2020, chúng tôi sẽ nâng cấp 1 cơ sở cấp phát thuốc tại huyện Vạn Ninh thành cơ sở điều trị; triển khai mới 2 cơ sở cấp phát thuốc tại thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm. Qua đó, sẽ tăng số lượng bệnh nhân được đến điều trị, cấp phát thuốc tại các cơ sở”, ông Tin nói.
THÀNH BẢO