Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Mỗi năm có gần 7 triệu người tử vong, chiếm 1/3 số trường hợp tử vong toàn cầu. Bệnh tăng huyết áp ảnh hưởng đến gần 26% người lớn trên thế giới. Hút thuốc lá và tăng huyết áp là những yếu tố làm gia tăng kết cục và tiên lượng sức khỏe xấu cho người bệnh tim mạch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Mỗi năm có gần 7 triệu người tử vong, chiếm 1/3 số trường hợp tử vong toàn cầu. Bệnh tăng huyết áp ảnh hưởng đến gần 26% người lớn trên thế giới. Hút thuốc lá và tăng huyết áp là những yếu tố làm gia tăng kết cục và tiên lượng sức khỏe xấu cho người bệnh tim mạch.
Tại Hội nghị tăng huyết áp Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức tại Nha Trang (tháng 5-2018), PGS Lê Văn Bàng - Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, hút thuốc lá làm gia tăng cấp tính tăng huyết áp, làm căng cứng động mạch chủ. Ở người hút thuốc lá mạn tính có tăng huyết áp, huyết áp tăng lên chủ yếu là huyết áp tâm thu, còn gọi là huyết áp tối đa. Hút thuốc lá làm khởi động cho sự tăng huyết áp. Hút thuốc lá cùng với tăng huyết áp sẽ hợp lực với nhau gây ra hậu quả xấu cho bệnh động mạch vành, do vậy khuyến cáo được đưa ra là hãy từ bỏ việc hút thuốc lá càng sớm càng tốt.
Các nghiên cứu cho thấy, trong khói thuốc lá có hơn 7.000 chất độc. Trong đó, chất Nicotine gây tổn thương hệ tim mạch cấp tính. Nicotin gây ra những mức độ khác nhau của tình trạng nghiện thuốc lá, kích thích thần kinh giao cảm, làm tăng độ nhớt của máu, tăng nhịp tim, tăng huyết áp tâm thu. Nicotin gây ra sự giãn mạch, làm tổn thương lớp nội mạc của mạch máu. Nicotin gây ảnh hưởng chuyển hóa của lipit, làm tăng mỡ máu toàn phần, tăng mỡ xấu LDL, giảm mỡ tốt HDL và tăng đường máu. Nicotin thúc đẩy nhanh tiến trình xơ vữa động mạch, gây rối loạn điều hòa chức năng tim mạch, gây tăng co bóp cơ tim, tăng nhịp tim kéo dài khi gắng sức, tăng nhu cầu oxy cơ tim, làm gia tăng huyết áp. Với những tác hại đó, Nicotin gây ra tổn thương chức năng của nội mạc mạch máu, gây rối loạn chức năng tim mạch, xơ vữa động mạch, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, bệnh thiếu máu cơ tim.
Chất thứ hai cần chú ý trong khói thuốc lá là Oxide Carbon (CO). Chất này làm tổn thương mạch máu, gây xơ vữa mạch máu; làm giảm cung cấp oxy cho cơ tim; gây ra thiếu máu cơ tim. Oxide Carbon làm giảm cung cấp oxy cho các tế bào ngoại biên, gia tăng axit lactic, giảm khả năng gắng sức, làm cho người hút thuốc lá có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch.
PGS Lê Văn Bàng cho biết, qua nhiều nghiên cứu, sau khi hút một điếu thuốc lá, huyết áp tâm thu gia tăng lên khoảng 20mmHg; ảnh hưởng đến độ căng cứng động mạch chủ, gia tăng nhịp tim, làm gia tăng gánh nặng đối với những mạch máu có xơ vữa động mạch, dẫn đến những biến cố do thiếu máu cấp gây nên ở tất cả các bộ phận trong cơ thể, nhất là ở động mạch chủ, động mạch có vai trò chính yếu cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể. Những nam giới hút thuốc lá có kèm uống rượu, số huyết áp tâm thu sẽ tăng cao hơn so với những nam giới hút thuốc lá không uống rượu. Những người hút thuốc lá thụ động cũng có tình trạng tăng huyết áp giống như người hút thuốc lá chủ động.
Để chẩn đoán tăng huyết áp cần dựa vào trị số đo huyết áp, đo huyết áp nhiều lần, đo tại nhà, tại phòng khám. Bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ tim mạch toàn thể thông qua xác định những yếu tố nguy cơ, tổn thương cơ quan đích, bệnh lý, dấu chứng lâm sàng, cận lâm sàng kèm theo, xác định nguyên nhân gây ra tăng huyết áp; yếu tố tiền sử gia đình… Từ đó, bác sĩ sẽ phân độ nguy cơ tăng huyết áp, xác định mục tiêu điều trị, thái độ xử trí tăng huyết áp. Nguyên tắc là xử trí tất cả những yếu tố nguy cơ liên quan biến cố tim mạch như: rối loạn lipit, không dung nạp đường, hoặc người bệnh có bệnh đái tháo đường; yếu tố béo phì và hút thuốc lá. Việc điều trị tăng huyết áp thường phải lâu dài, nếu ngưng điều trị bằng thuốc có thể gây nguy hiểm cho người bệnh; bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh kế hoạch thay đổi lối sống, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe, người bệnh cần tuân thủ điều trị bệnh tăng huyết áp; thực hiện chế độ ăn giảm muối dưới 5 - 6gam/ngày; tăng cường vận động cơ thể, không lạm dụng rượu bia, giảm chất béo toàn phần và có kế hoạch bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn (Trung tâm Truyền thông
Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)