Năm 2017, trên địa bàn huyện không có dịch xảy ra. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh tay chân miệng.
Năm 2017, trên địa bàn huyện không có dịch xảy ra. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh tay chân miệng. Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện, trong năm có 371 ca tiêu chảy, 5 ca sốt xuất huyết, 75 ca thủy đậu, 1.781 ca cúm và 201 ca tay chân miệng. Trong đó, bệnh tay chân miệng tăng hơn 25% so với năm 2016. Theo bác sĩ Hồ Ngọc Gia - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, sở dĩ hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng trong năm qua chưa đạt kết quả như mong đợi là do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, ý thức phòng, chống bệnh chưa cao. Đời sống sinh hoạt của người dân trong cộng đồng dân cư vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo vệ sinh nên dễ làm phát tán nguồn bệnh ra môi trường… Chính vì thế, các hoạt động phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm nói chung và tay chân miệng nói riêng tuy vẫn được triển khai theo đúng quy định của Bộ Y tế nhưng vẫn có nhiều người mắc bệnh.
Ngay từ đầu năm 2018, huyện đã ban hành kế hoạch phòng bệnh truyền nhiễm và chống dịch. Theo đó, huyện quyết tâm không để xảy ra dịch; không để tử vong do bệnh dịch gây ra; hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể trong phòng, chống dịch nói chung, từng bệnh nói riêng… Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng, các xã, thị trấn ổn định, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch và các đội chống dịch cơ động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; chỉ đạo các đơn vị y tế dự trù đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị phục vụ tốt công tác phòng dịch; tăng cường tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, phát hiện sớm và kịp thời điều trị. “Vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, huyện sẽ tổ chức đợt kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch tại các xã, thị trấn. Qua đó, nắm rõ những hạn chế, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương để khắc phục. Điều này giúp cho việc triển khai công tác phòng, chống dịch hiệu quả, đồng bộ”, ông Hồ Thanh Liêm - Trưởng phòng Y tế huyện cho biết.
Trong năm 2017, xã Ba Cụm Bắc là địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao nhất huyện. Từ thực tế đó, trong công tác phòng, chống dịch bệnh năm nay, Trạm Y tế xã Ba Cụm Bắc đã thường xuyên cử người đi giám sát ở các thôn; thực hiện việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau và ở mọi lúc, mọi nơi. Xã cũng phát động việc dọn vệ sinh ở các khu dân cư. Khi phát hiện có ca nhiễm bệnh, trạm cử người xuống cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống để lấy mẫu kiểm tra nhanh và có biện pháp kịp thời xử lý. “Quý I/2018, chỉ có 2 ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn xã, so với cùng kỳ năm trước đã giảm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải thường xuyên, liên tục triển khai các việc làm cụ thể để phòng, chống dịch bệnh. Bởi chỉ cần lơ là một chút thì nguy cơ mắc bệnh của người dân sẽ tăng cao”, bà Hồ Thị Quyên - Trưởng trạm Y tế xã Ba Cụm Bắc cho biết.
Theo ông Hồ Ngọc Gia, trong công tác phòng, chống dịch bệnh, hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân và phản hồi thông tin đóng vai trò quan trọng. Khi phát hiện ca bệnh, các cơ quan y tế của huyện phải nhanh chóng thực hiện việc điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân, người thân và người dân trong khu dân cư. Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để tại các khu vực đang có ca bệnh. Mặt khác, duy trì thông tin giữa trạm y tế với các trường học trên địa bàn khi có thông tin về bệnh truyền nhiễm ở trường; hỗ trợ phương tiện, dụng cụ cho người dân thực hiện phòng, chống dịch như: cấp phát xà phòng, Cloramin B, bô vệ sinh… Quý I/2018, toàn huyện có 4 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm hơn 93% so với cùng kỳ năm 2017; 3 ca mắc sốt xuất huyết, 15 ca thủy đậu, 104 ca tiêu chảy, 580 ca cúm. Tuy trong 3 tháng đầu năm, số ca mắc ở các bệnh trên có tăng, có giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng với sự vào cuộc chủ động của các cơ quan y tế huyện, hy vọng rằng tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm đang lưu hành sẽ nằm trong tầm kiểm soát.
GIANG ĐÌNH