Nhiều người đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa đều ngỡ ngàng về cơ sở vật chất nơi đây. Bệnh viện mới thành lập từ đầu tháng 10-2015 trên cơ sở của Bệnh viện Diên Khánh (xã Diên An), còn nhân lực từ khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Nhiều người đến Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa đều ngỡ ngàng về cơ sở vật chất nơi đây. BV mới thành lập từ đầu tháng 10-2015 trên cơ sở của BV Diên Khánh (xã Diên An), còn nhân lực từ khoa Truyền nhiễm BV Đa khoa tỉnh. Điều không ai ngờ rằng, BV Bệnh Nhiệt đới vừa định hình đã phải lao vào “cơn bão” dịch SXH bùng phát trên toàn tỉnh để cứu chữa cho hơn 7.000 lượt bệnh nhân (BN).
Bác sĩ (BS) Nguyễn Đông - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa cho biết, vừa kê xong giường khai trương BV mới thì BN đã ùn ùn tới cửa. Biên chế chỉ có 70 giường nhưng số BN nhập viện mỗi ngày từ 200 tới 300 BN. Dù được các BS cật lực khám lọc cho ngoại trú theo dõi nhưng số ca phải nằm viện vẫn tăng không ngừng. BN phải nằm ghép 2, ghép 3 và BV cứ phải nhập liên tục giường xếp để BN nằm. Cảnh người bệnh nằm ken cứng trong các phòng khiến ai cũng rơi nước mắt. Tất cả phòng đều được ưu tiên dành làm nơi cho BN nằm điều trị. Bởi vì ngoài kia, dịch SXH đã bùng phát tới cao điểm trong 3 tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016 với hơn 10.000 ca mắc. Ở Ninh Hòa có gia đình cả nhà đều bị SXH, Vạn Ninh đã có 2 ca tử vong, Nha Trang cũng rực nóng với nhiều ca nặng. Khánh Hòa trở thành điểm nóng về bệnh SXH, được Bộ Y tế lưu tâm, cả nước lo lắng. Vậy mà tại BV Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa chỉ có 16 BS và 38 điều dưỡng đảm nhiệm công việc, thế mới thấu hiểu sự cống hiến của các thầy thuốc nơi đây lớn lao như thế nào.
Chăm sóc cho bệnh nhân lúc cao điểm |
Hơn 9 ngày túc trực chăm con ở BV trong những ngày giáp Tết vừa qua, người viết thực sự cảm động và nể phục đội ngũ y, BS, điều dưỡng nơi đây. Nếu như ở các khu điều trị, người ta thấy hình ảnh các BN nằm thiêm thiếp mệt mỏi trong cơn sốt li bì có các điều dưỡng ân cần tới kiểm tra huyết áp, phát thuốc động viên, thì ở khu cấp cứu thực sự là “tâm bão”. Ngoài BN tự đến thì thỉnh thoảng lại có xe cấp cứu từ các tuyến y tế của Khánh Hòa và các tỉnh xung quanh như: Ninh Thuận, Phú Yên chở BN nặng tới. Mỗi kíp trực có từ 2 tới 3 BS vừa khám lọc vừa điều trị cấp cứu.
BS Nguyễn Đông cho biết, cả BV chỉ có 16 BS nhưng tham gia trực cấp cứu tới 9 người với 3 kíp. Độ xoay vòng rất nhanh nên chúng tôi có cảm giác các BS: Nguyễn Đông, Quốc Bình, Ngọc Anh không về nhà. Các BS: Duy Bình, Phương Mai, Quang Văn, Vân Anh, Nguyễn Tuấn, Hoàng Ka… liên tục có mặt trực chiến tăng cường. Các điều dưỡng cũng rất căng thẳng và cực nhọc. Bởi Khoa Cấp cứu luôn có tiếng BN nhỏ tuổi khóc quấy, BN lớn vật vã trong cơn sốt cao cùng nhiều ca bệnh nặng nguy kịch. Trong phác đồ điều trị bệnh có việc làm hạ sốt bằng cách chườm lau nước ấm nóng cho BN. Chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của điều dưỡng khi họ phải làm liên tục hàng tiếng đồng hồ cho mỗi BN hạ sốt để tránh sốc. Khi bên ngoài cửa kính nhiệt độ là 19 độ, gió thổi hơn bão lốc mà trong phòng “tiền cấp cứu”, điều dưỡng và người nhà vẫn toát mồ hôi khi chườm cho BN. Thời điểm thì bất kể, có khi suốt đêm. Nhiều người nhà BN ở Khoa Cấp cứu nằm hành lang vẫn thấy tầm 3 giờ sáng, các hộ lý đã lúi húi kéo xe rác, quét dọn bệnh viện.
Căn phòng hồi sức cấp cứu không dành cho bất cứ ai yếu tim và yếu lòng, bởi nơi đây vận mệnh con người luôn mỏng manh trong hơi thở. BS Ngọc Anh - Trưởng khoa Nội - Nhi tâm sự: “Với BN SXH thể sốc Dengus thì quả thực chính BS như chúng tôi cũng sợ, bởi nó rất khó lường nên mỗi ca trực là một trận đánh! Các BS và điều dưỡng liên tục phải kiểm tra BN dù BN đã được hỗ trợ rất nhiều thiết bị hiện đại cùng phác đồ tiên tiến nhất của y học”. Khi được hỏi SXH thể sốc Dengus là như thế nào mà nguy hiểm thế? BS Nguyễn Đông giải thích, đó là mạch máu đã xuất dịch ra nội tạng: phổi, gan, thận… tiểu cầu giảm, cơ thể suy kiệt, diễn biến cực kỳ khó lường rất nguy hiểm tính mạng.
Có một điều người viết rất nể trọng đội ngũ BS nơi đây. Đó là ngoài sự ân cần chu đáo, nhẹ nhàng với BN là sự học hỏi cầu thị của họ. Nhiều người đọc trên tấm bảng trước BV có dòng chữ “Được sự hợp tác của BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh” cũng có thể chưa hiểu ý nghĩa quan trọng của nó. BS Nguyễn Đông giải thích: “Tuy chúng tôi có đội ngũ rất chuyên nghiệp và tay nghề cao nhưng kiến thức là vô tận, trước những ca nặng, chúng tôi vẫn tham vấn với những chuyên gia đầu ngành của BV cùng tuyến cao hơn để ra phương án tối ưu cứu chữa”. BS Duy Bình - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu giải thích thêm, do có sự hợp tác chặt chẽ nên các chuyên gia ở BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và Nhi Đồng 1 sẵn sàng bay ra Nha Trang hỗ trợ nếu có yêu cầu.
Sau 3 tháng cao trào, bệnh SXH đã giảm cường độ nhưng theo BS Quốc Bình - Phó Giám đốc BV, từ sau Tết tới nay lại có nhiều ca nặng. Các BS, điều dưỡng vẫn chưa hết căng thẳng. Tuy nhiên, có một tin vui đầu năm 2016 là BV Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa đã được nâng cấp từ BV cấp 3 lên cấp 2 và Bộ Y tế có chủ trương xây dựng bằng kinh phí Trung ương, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng lớn của Khánh Hòa và các tỉnh xung quanh.
Trải nghiệm với các thầy thuốc nơi đây hơn 9 ngày, người viết thực sự hiểu một phần cống hiến của họ mà không phải ai cũng biết được điều đó. Với các BS, họ rất ngại sự tôn vinh hay ca tụng bởi công việc của họ rất âm thầm lắm khi tách biệt lặng lẽ tới cô đơn. BS trẻ Nguyễn Tuấn nói: “Chúng tôi chỉ cần mọi người hiểu và cảm thông với công việc vất vả của chúng tôi mà thôi”. Đó là lời nói thật khiêm tốn, đầy chân thành.
Lê Đức Dương