Phải nằm đôi, có khi 3 trẻ 1 giường là tình trạng chung ở Khoa Nhi các bệnh viện trong gần 1 tháng qua, do số trẻ mắc các bệnh mùa hè tăng cao.
Phải nằm đôi, có khi 3 trẻ 1 giường là tình trạng chung ở Khoa Nhi các bệnh viện trong gần 1 tháng qua, do số trẻ mắc các bệnh mùa hè tăng cao.
Quá tải
Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa có 120 giường. Gần 1 tháng qua, Khoa luôn trong tình trạng quá tải khi mỗi ngày phải tiếp nhận từ 45 đến 50 ca bệnh mới. Có mặt tại Khoa vào một ngày giữa tuần, chúng tôi thấy hầu như phòng nào cũng chật kín bệnh nhân (BN) nhi, nhiều nhất vẫn là trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Các phòng có đông BN là: phòng bệnh tiêu hóa, hô hấp. Một số phòng có tình trạng 2 BN nằm chung 1 giường. Bác sĩ (BS) Phạm Enga - Trưởng Khoa Nhi cho biết, tuần này, lượng bệnh nhi đã giảm nhiều, hiện nay có khoảng 160 BN đang điều trị. Những tuần trước, có ngày gần 260 BN, Khoa phải ghép 2, có khi 3 BN nằm 1 giường. Thời gian gần đây, phần lớn bệnh nhi được điều trị các bệnh thường gặp vào mùa hè như: tiêu chảy, viêm đường hô hấp, cảm cúm, sốt siêu vi, sốt xuất huyết, viêm não, say nắng…
Bác sĩ Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc cho bệnh nhi. |
Tại Khoa Nhi BVĐK khu vực Cam Ranh cũng trong tình trạng tương tự, 2 trẻ nằm chung 1 giường. Khoa có 40 giường, nhưng số trẻ điều trị tại Khoa bình quân khoảng 100 trẻ/ngày. Tình trạng này cũng diễn ra tại BVĐK khu vực Ninh Hòa, Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm.
Không chủ quan với bệnh mùa hè
Theo nhận định của các BS, có thể do năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài nên số trẻ mắc các bệnh mùa hè tăng đột biến so với những năm trước. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều phụ huynh đã có ý thức và ít chủ quan hơn nên phần lớn trẻ được đưa vào viện kịp thời; nhờ đó, công tác điều trị thuận lợi hơn. BS Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc BVĐK khu vực Cam Ranh cho biết: “Tuy số lượng trẻ nhập viện đông, nhưng có rất ít số ca đưa đến khi bệnh đã chuyển nặng”.
BS Phạm Enga khuyên, vào mùa hè, nhiệt độ cao hơn trong năm, môi trường ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt, sức đề kháng của trẻ còn yếu nên rất dễ mắc bệnh. Thêm vào đó, mùa nóng, trẻ thường bị mất nước; khi thiếu nước, trẻ sẽ tiểu ít, niêm mạc miệng khô... Các tình trạng trên kéo dài có thể khiến trẻ mắc một số bệnh như: viêm đường hô hấp, nhiễm trùng da, say nắng, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn…
Mùa này, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm họng cấp, viêm mũi - họng cấp, viêm phế quản cấp, viêm phổi là những bệnh trẻ mắc nhiều nhất. Nguyên nhân là do nhiệt độ cao, khói bụi, nắng nóng, trẻ nằm máy lạnh liên tục, tắm hồ bơi, tắm biển nhiều giữa trời nắng gắt, tắm hoặc ngồi trước quạt máy khi đang ướt mồ hôi, ra gió ngay khi vừa tắm xong… Những tình huống trên khiến lớp nhầy bảo vệ vùng hầu họng của trẻ bị khô, tạo điều kiện cho vi trùng thường trú phát triển, xâm nhập và gây bệnh. Phòng bệnh cho trẻ bằng cách cho uống đủ nước, mặc thoáng mát (loại vải có thể hút thấm mồ hôi), không cho quạt thổi trực tiếp vào trẻ, nên sử dụng quạt có chuyển hướng hoặc quạt nước.
Tiêu chảy cấp cũng là bệnh thường gặp vào mùa này. Nguyên nhân là vào mùa nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng. Việc ăn uống ở những hàng quán bán trên lề đường không được che đậy cẩn thận hoặc sử dụng nước chưa nấu chín, nước đá sản xuất không sạch cũng dễ gây bệnh tiêu chảy. Trẻ bị tiêu chảy nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, một số khoáng chất, nếu không được điều trị kịp thời, kèm theo trẻ bị suy dinh dưỡng có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, cần bù đủ nước và ion cho trẻ bằng cách uống Oresol hoặc nước muối đường, nước cháo muối.
Say nắng cũng là bệnh mà phụ huynh cần chú ý vào mùa hè. Nguyên nhân là do thời tiết nóng, trẻ chơi ở ngoài trời nắng nhiều làm cơ thể mất nước, muối khoáng. Biểu hiện của bệnh là da trẻ khô, không có mồ hôi, mệt, choáng váng, nhức đầu, buồn nôn, môi khô, đòi uống nước nhiều, nếu không được xử lý kịp thời sẽ nguy hiểm đến sức khỏe. Khi trẻ bị sốc nắng, cần đưa ngay trẻ vào nơi mát, cởi áo cho thoáng và lau mát trẻ, không nên hạ nhiệt nhanh cho trẻ bằng nước lạnh, nước đá vì khi da gặp lạnh, các lỗ chân lông thu hẹp sẽ khó tản nhiệt, nên cho trẻ uống nhiều nước có khoáng chất. Cách phòng bệnh: Tránh cho trẻ chơi dưới nắng quá lâu, tắm rửa, vệ sinh thân thể thường xuyên cho trẻ; không tắm ngay khi trẻ vừa đi nắng về, khi đang đổ mồ hôi…
BÁ NGHĨA