Các hộ dân, chính quyền địa phương đều xác nhận thửa đất của ông Nguyễn Phong Thành. Đồng thời, đại diện chính quyền địa phương cũng thừa nhận những sai sót ngay từ ban đầu của việc thực hiện quy trình cấp sổ các thửa đất.
Các hộ dân, chính quyền địa phương đều xác nhận thửa đất của ông Nguyễn Phong Thành. Đồng thời, đại diện chính quyền địa phương cũng thừa nhận những sai sót ngay từ ban đầu của việc thực hiện quy trình cấp sổ các thửa đất. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần sớm có hướng giải quyết thấu đáo, trả lại sự công bằng, quyền lợi chính đáng cho người dân, tránh để vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Sẵn sàng đứng ra làm chứng
Bà Dương Thị Phúc hiện ở thôn Tây Nam 2, xã Đại Lãnh cho biết: “Khoảng năm 1980, gia đình tôi đã khai khẩn được khu đất rẫy rộng hơn 1ha trên gần đỉnh núi. Trên đây, vợ chồng tôi trồng đào, mít, xoài, mía, chuối… Đến năm 1985, chồng tôi đi nước ngoài, một mình không đủ sức canh tác nên tôi đã bán thửa đất này cho bà Trần Thị Thấu (mẹ ông Nguyễn Phong Thành). Nhiều lần tôi cũng đã trực tiếp lên UBND xã khai báo, xác minh về thửa đất đã bán cho gia đình ông Nguyễn Phong Thành. Vậy hà cớ gì chính quyền lại cấp sổ thửa đất của ông Nguyễn Phong Thành cho người khác. Tôi xin cam đoan và sẵn sàng đứng ra làm chứng thửa đất trên là của ông Nguyễn Phong Thành. Do vậy các chính quyền địa phương cần phải cấp sổ cho ông Thành mới đúng và công bằng”.
Đối với các hộ có đất giáp cận thửa đất của ông Nguyễn Phong Thành cũng xác nhận ông Thành có đất canh tác ổn định ở đây nhiều năm và không xảy ra tranh chấp. Ông Nguyễn Văn Trí (thôn Tây Nam 2) cho biết: “Đất rẫy của gia đình tôi đã được cấp sổ và giáp ranh với đất ông Nguyễn Phong Thành. Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn trồng trọt trên đất của mình và không xảy ra bất kỳ tranh chấp nào giữa 2 bên”.
Bên cạnh đó, vào tháng 3-2021, lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh đã trả lời Báo Khánh Hòa: “Qua kiểm tra thực tế, khu đất của ông Thành nằm trên mỏm đá cao. Những hộ giáp cận thừa nhận trước đây ông Thành có canh tác, trồng trọt trên khu đất này nhưng một thời gian ông ngừng canh tác. Đến khi chính quyền đo vẽ, đã cấp sổ cho 3 hộ dân khác. Đến nay, có 2 hộ dân đã bán đất cho một người khác”. Những điều này, một lần nữa khẳng định, thửa đất của ông Nguyễn Phong Thành là có thật và đang được ông sử dụng trồng trọt nhiều năm qua.
Sai sót từ khâu đo vẽ, cấp sổ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2007, UBND huyện Vạn Ninh và xã Đại Lãnh thực hiện đo vẽ lập Bản đồ Lâm nghiệp xã Đại Lãnh. Đồng thời, đến năm 2013, các ngành chức năng huyện Vạn Ninh tiến hành cấp sổ cho người dân ở khu vực này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cấp sổ lại không tiến hành thực địa, đo vẽ, cắm mốc ranh giới. Đặc biệt, đã không mời các chủ đất chỉ mốc ranh giới để cắm mốc, đo vẽ và thông báo công khai cho người dân biết để tránh sai sót. Đồng thời, các ngành chức năng chỉ căn cứ trên tờ Bản đồ số 01 (Bản đồ Lâm nghiệp xã Đại Lãnh) để thực hiện cấp sổ cho các thửa đất. Chính việc cấp sổ chỉ thực hiện trên máy, trên bàn giấy đã dẫn tới nhiều sai sót. Từ đó, thửa đất của ông Nguyễn Phong Thành đã bị cấp chồng lấn vào các thửa đất khác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Khoang - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: “Thời điểm đó, tôi còn làm cán bộ địa chính nên nắm rất rõ sự việc. Khi tiến hành đo đạc cấp sổ đất rừng sản xuất cho người dân, đơn vị đo vẽ chỉ đứng dưới chân núi bấm máy lên. Đồng thời, những hộ dân nào có mặt, dựa trên Bản đồ Lâm nghiệp chỉ vị trí thửa đất của mình, từ đó tiến hành cấp sổ cho dân mà không thực hiện cắm mốc ranh giới, không lấy ý kiến những hộ giáp cận. Có trường hợp, thực tế đất ở dưới chân núi, nhưng khi cấp sổ thì thửa đất lại nằm ở trên đỉnh núi. Chính vì vậy, giờ đây đụng chỗ nào về đất rừng sản xuất đã cấp sổ đều sai sót và cũng không có cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm. Nhiều hộ muốn xin cấp sổ đều không được giải quyết vì các thửa đất ở đây đã bị cấp chồng lấn rất nhiều”.
Cần giải quyết từ gốc của vấn đề
Qua nhiều năm đơn thư, khiếu nại của ông Nguyễn Phong Thành chỉ nhằm mục đích yêu cầu UBND huyện Vạn Ninh thực hiện cấp sổ cho thửa đất của mình. Việc làm biến mất thửa đất trên thực tế của ông Nguyễn Phong Thành vào 3 thửa đất khác khi thực hiện đo vẽ cấp sổ vào năm 2013 là trách nhiệm của các ngành chức năng huyện Vạn Ninh. Bởi vì đã thực hiện đo vẽ vắng mặt chủ đất, không có xác nhận của chủ đất giáp ranh, không cắm mốc tọa độ. Từ đó dẫn đến cấp chồng lấn, sai diện tích đất cho các thửa đất. Gốc của vấn đề là ở đây, nếu không giải quyết từ đây thì người dân cứ tiếp tục khiếu kiện kéo dài.
Đối với thửa đất 136, 149 đã chuyển nhượng cho người thứ 2 nên huyện Vạn Ninh chỉ căn cứ theo quy định tại khoản 5 điều 87 Nghị định 43 ngày 15-5-2014 của Chính phủ, Nhà nước không thực hiện thu hồi sổ. Tuy nhiên phải khẳng định việc cấp nhầm đất của người này cho người kia là có thật. Người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp sổ trái pháp luật phải bị xử lý theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Luật Đất đai.
****
Gốc của vấn đề đã rõ. Sai sót từ đâu, do ai cũng đã rõ. Hậu quả mà người dân phải chịu vì những sai sót thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng thuộc về Nhà nước trong quá trình đo vẽ, cấp sổ cho dân đã có. Nếu Thanh tra không chỉ rõ những sai sót và hướng giải quyết, thiết nghĩ Ủy ban kiểm tra cần phải vào cuộc để làm rõ dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ của những tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 206 Luật Đất đai quy định về xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai: 1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 2. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.
|
NHÓM PHÓNG VIÊN