Qua rà soát, Sở Xây dựng nhận thấy tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh, nhiều chủ đầu tư bố trí không đủ hoặc không bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Sở Xây dựng đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh xử lý để đẩy mạnh đầu tư nhà ở xã hội, phục vụ người dân có nhu cầu.
Qua rà soát, Sở Xây dựng nhận thấy tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhiều chủ đầu tư bố trí không đủ hoặc không bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Sở Xây dựng đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh xử lý để đẩy mạnh đầu tư nhà ở xã hội, phục vụ người dân có nhu cầu.
Nhiều dự án chưa bố trí quỹ đất
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có nhiều dự án nhà ở xã hội đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chủ đầu tư chậm trễ triển khai xây dựng. Cụ thể, trên đường Lê Hồng Phong có dự án Chung cư 50 Lê Hồng Phong, diện tích 5.507m2, dự kiến dành gần 2.000m2 xây dựng khối nhà chung cư (nhà ở xã hội), còn lại là xây dựng nhà ở liên kế (nhà ở thương mại). Mặc dù được giao đất từ năm 2003 nhưng đến nay dự án vẫn là bãi đất trống. Hay dự án Chung cư Eden Nha Trang (16 Lê Thanh Nghị, phường Vĩnh Nguyên), dự án Nhà ở xã hội cho cán bộ và nhân viên Công ty Cổ phần Vinpearl (phường Vĩnh Nguyên) cũng có quyết định đầu tư hơn 10 năm nay nhưng chủ đầu tư chưa triển khai.
Mới đây, Sở Xây dựng đã rà soát quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị. Kết quả, có nhiều dự án không bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, như: Khu nhà ở Phước Đồng (xã Phước Đồng) do Công ty TNHH Quốc Hân làm chủ đầu tư; Khu nhà ở gia đình cán bộ sĩ quan Vùng 4 và Khu nhà ở gia đình cán bộ Bộ Quốc phòng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư; Khu đô thị mới Nam Sông Cái do Công ty TNHH Minh Phát làm chủ đầu tư; Trung tâm Đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư...
Bên cạnh đó, cũng có nhiều dự án chưa bố trí đủ 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, gồm: Dự án Khu đô thị mới Phước Long do Công ty Cổ phần phát triển nhà và đô thị HUD Nha Trang làm chủ đầu tư; dự án Khu đô thị Hoàng Long do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và địa chất UPGC làm chủ đầu tư; Khu đô thị Phúc Khánh 1 và Khu đô thị Phúc Khánh 2 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư…
Rà soát, xử lý nghiêm
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2009, tỉnh đã quy định đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10ha trở lên và dự án khu đô thị mới phải dành tỷ lệ diện tích đất tối thiểu là 20% diện tích đất ở của dự án đó để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ngày 20-11-2013, Chính phủ ban hành Nghị định 188 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Đến năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 100 thay thế Nghị định 188 quy định, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%. Trường hợp Nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì chuyển giao quỹ đất này cho UBND cấp tỉnh quản lý. Ngày 1-4-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 49 sửa đổi một số nội dung Nghị định 100, trong đó quy định trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Hoạt - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết, đối với trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì UBND tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì UBND tỉnh có trách nhiệm xác định giá trị tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án. Số tiền thu được phải bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
Theo ông Hoạt, theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, nhu cầu đến năm 2030 của tỉnh là phát triển khoảng 475.000m2 sàn nhà ở xã hội. Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh đôn đốc các chủ đầu tư tiến hành đầu tư xây dựng các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc thu hồi giao cho các nhà đầu tư có tâm huyết, năng lực. Thời gian tới, Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản sẽ phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát các dự án khu đô thị mới, dự án đầu tư phát triển đô thị để xác định thời điểm đầu tư, áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành. Nếu bố trí chưa đủ hoặc không bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội thì phải bố trí hoặc thanh toán bằng số tiền tương ứng để tỉnh có nguồn vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội khác.
Ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiến hành rà soát, phủ kín quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương trong quá trình lập quy hoạch phải ưu tiên quy hoạch quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại các vị trí đất do Nhà nước quản lý. Có như vậy mới tạo được quỹ đất sạch, rút ngắn thời gian thủ tục xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình phát triển nhà ở Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. _______________________________________________
|
NHẬT THANH