Năm 2021, khi UBND phường Vĩnh Phước đầu tư làm lại đường Cao Văn Bé, một số hộ dân ở hẻm 53 (tổ 22-23 Hòn Chồng) đã tự nguyện nhường đất, tạo nên con hẻm rộng rãi, dễ đi, vì lợi ích chung của cộng đồng dân cư.
Năm 2021, khi UBND phường Vĩnh Phước đầu tư làm lại đường Cao Văn Bé, một số hộ dân ở hẻm 53 (tổ 22-23 Hòn Chồng) đã tự nguyện nhường đất, tạo nên con hẻm rộng rãi, dễ đi, vì lợi ích chung của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên tại đầu hẻm, có 2 hộ cương quyết không nhường đất, tạo nên nút thắt cổ chai rất khó chịu.
Nhường đất vì cộng đồng
Theo ông Trần Văn Thay, trước đây, hẻm 53 đường Cao Văn Bé chật chội, nhiều đoạn chỉ rộng hơn 1m. Sau này, người dân xây nhà lại, đã tự nguyện lùi vào để đường rộng, dễ đi. “Cách đây 20 năm, có những đoạn 2 người đi đối diện nhau còn phải né mới lọt. Việc sinh hoạt của người dân trong hẻm gặp nhiều khó khăn, bất tiện. Nhà nào có đám tang, việc di chuyển quan tài ra khỏi hẻm rất nan giải. Nhờ người dân tự ý thức vì mục đích chung mà nhường đất nên đến nay cơ bản hẻm 53 đã rộng rãi, thông thoáng”, ông Thay nói. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân Lan cho biết, bà ở trong con hẻm này từ những năm 1980. Đến khoảng năm 2000, nhà bà xây mới, đã tự lùi vào hơn 1m để đoạn đường được rộng ra. Thời điểm đó, nhiều gia đình khi xây nhà cũng tự nguyện lùi vào để đường được rộng, thuận lợi lưu thông.
Trước Tết Nguyên đán, UBND phường Vĩnh Phước được giao làm chủ đầu tư đường Cao Văn Bé, trong đó hẻm 53 được láng bê tông, làm lại tuyến cống thoát nước. Khi đó, trên tuyến hẻm vẫn còn một số đoạn chỉ rộng khoảng 1m, cản trở giao thông nên các hộ dân đã tự vận động nhau nhường đất, lui vào. Tại thời điểm đó, đã có 3 hộ tự nguyện tháo dỡ tường, xây lui vào hơn 1m, gồm: bà Lê Thị Nhị Hồng, ông Phạm Duy Trung và bà Nguyễn Hoàng Lan. Bà Hồng nói: “Thấy bà con đi lại khó khăn nên tôi đã chủ động phá dỡ bức tường cũ, xây lui vào để người dân đi lại thuận lợi. Sau này nếu có đền bù thì mong chính quyền xác nhận, có chính sách hợp lý cho người dân”.
Tuy nhiên, ngay đầu hẻm 53, kết nối với đường Cao Văn Bé hiện còn khoảng 30m có chiều rộng chỉ khoảng 1m, nút thắt cổ chai này đã làm việc đi lại trong hẻm gặp khó khăn. Người dân ở khu vực này mong 2 hộ dân đầu hẻm di dời tường rào vào, nhường đất để hẻm được rộng rãi. Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động, 2 hộ dân đầu hẻm vẫn chưa đồng ý.
Cần có sự đồng thuận
Theo UBND phường Vĩnh Phước, trước đây hẻm 53 nói riêng và đường Cao Văn Bé nói chung rất nhếch nhác, chật chội. Sau nhiều lần kiến nghị, năm 2020 tỉnh mới đồng ý cho đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ đường đất thành đường thảm nhựa, dài 573m với hệ thống thoát nước ống bê tông. Hẻm 53 cũng được đầu tư hệ thống thoát nước bài bản, thảm bê tông để người dân đi lại thuận lợi. Cuối năm 2021, dự án được triển khai với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.
Ông Ngũ Quốc Việt – Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước cho biết, phường có nhận được đơn kiến nghị của tập thể 100 hộ dân tại hẻm 53 Cao Văn Bé. UBND phường đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến người dân, đồng thời có vận động 2 hộ ở đầu hẻm nhường đất. Tuy nhiên, cả 2 hộ đều không đồng ý. “Nếu nhường, hộ phía bên trái từ đường Cao Văn Bé đi vào diện tích còn lại quá nhỏ. Còn hộ bên tay phải thì đất rộng, nhưng nếu nhường thì mất luôn 1 đường luồn của gia đình họ, trong khi cả 2 gia đình này đều đi lại bằng đường Cao Văn Bé chứ không phải hẻm 53. Phường chỉ mời họp, phân tích, vận động chứ không thể ép họ nhường đất”, ông Việt cho hay.
Thời gian qua, trên địa bàn TP. Nha Trang có nhiều đường hẻm nhỏ hẹp đã được mở rộng, thông thoáng nhờ người dân tình nguyện hiến đất làm đường. Thành ủy Nha Trang cũng đã ban hành Nghị quyết 17 ngày 31-12-2009 về việc vận động nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn. Chính nhờ nghị quyết này mà hàng trăm hộ dân vì mục đích chung đã hiến một phần đất của gia đình, làm thay đổi diện mạo nhiều khu dân cư, góp phần nâng cao mỹ quan đô thị. Chính vì vậy, trường hợp ở hẻm 53 đường Cao Văn Bé, người dân cũng cần có sự đồng thuận, vì mục đích chung của khu dân cư.
VĂN KỲ