Được phát động từ tháng 7-2019, phong trào "Chống rác thải nhựa" đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh truyền thông và xây dựng mô hình, cách làm để thực hiện có hiệu quả.
Được phát động từ tháng 7-2019, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh truyền thông và xây dựng mô hình, cách làm để thực hiện có hiệu quả.
Nhiều cách làm hay
Tháng 6-2021, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phụ nữ Khánh Hòa tham gia phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025” giao cho Hội LHPN tỉnh là đơn vị chủ quản thực hiện. Đề án với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ hội, hơn 85% hộ gia đình hội viên PN tiếp cận những kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường. 100% cơ sở hội xây dựng ít nhất 1 mô hình về thực hiện công tác bảo vệ môi trường và phong trào “Chống rác thải nhựa” phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; xây dựng 3 mô hình điểm “Nói không với sản phẩm dùng một lần và hạn chế sử dụng túi ni-lông” tại đảo Trí Nguyên (TP. Nha Trang), đảo Bình Ba (TP. Cam Ranh), thôn đảo Điệp Sơn (huyện Vạn Ninh)… |
“Ngôi nhà xanh”, “Ngôi nhà 100 đồng” là những mô hình đang được các cấp hội PN triển khai hiệu quả nhằm thu gom phế liệu, góp phần bảo vệ môi trường và gây quỹ, giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, các địa phương: Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Khánh Sơn, Ninh Hòa… đã triển khai hiệu quả mô hình này. Bà Cao Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN huyện Khánh Sơn cho biết, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về việc bảo vệ môi trường, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm từ sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông khó phân hủy, năm 2020, hội đã tổ chức thí điểm mô hình “Ngôi nhà xanh” tại xã Ba Cụm Bắc. Những ngôi nhà được thiết kế bằng khung thép chắc chắn, lợp mái tôn, bọc lưới sắt xung quanh, được đặt tại các địa điểm công cộng để tiện cho người dân bỏ phế liệu. Sau hơn 1 năm phát động, nhận thấy hoạt động có hiệu quả, 8/8 xã, thị trấn đã đăng ký thực hiện công trình. Đến nay, toàn huyện đã có 10 “Ngôi nhà xanh”. Từ đầu năm đến nay, hội gây quỹ được 9 triệu đồng từ việc bán phế liệu.
Tại phường Cam Lộc (TP. Cam Ranh), mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang y tế” của Hội PN phường đã lan rộng, mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường và thực hiện việc phòng, chống Covid-19. Bà Nguyễn Thị Minh Anh - Chủ tịch Hội PN phường cho biết, mô hình này nhận được sự đồng tình hưởng ứng tích cực từ người dân. Đây chính là tín hiệu đáng mừng để cán bộ, hội viên PN ngày càng phát huy vai trò trong bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, hoạt động “Tổ PN đi chợ bằng giỏ” cũng được các cấp hội cơ sở triển khai hiệu quả. Để động viên hội viên tham gia mô hình, hàng năm, Hội LHPN các cấp đã chủ động trích kinh phí và vận động mạnh thường quân mua giỏ nhựa đi chợ để tặng hội viên. “Từ khi Hội PN phường tổ chức hoạt động “Tổ PN đi chợ bằng giỏ”, tôi đã tham gia hưởng ứng và thấy rất tiện lợi, hạn chế được các loại túi ni-lông không cần thiết” - bà Nguyễn Kiều Ngọc Nga (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) nói.
Nhân rộng các mô hình
Thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, Hội LHPN các cấp đã đồng loạt thực hiện nhiều mô hình sáng tạo, linh hoạt. Trong năm 2020, cán bộ, hội viên PN đã thu gom hơn 15 tấn rác thải các loại, tặng hơn 2.600 giỏ đi chợ, tặng hơn 1.000 bình giữ nhiệt và chai thủy tinh; treo 120 băng rôn, khẩu hiệu; thu hút hơn 125.000 hội viên, PN tham gia phong trào... Các cấp hội duy trì, thành lập mới một số mô hình như: 8 điểm mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ hội viên nghèo”; 27 “Ngôi nhà xanh”, “điểm thu gom chai lọ, túi ni-lông đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng”; 6 tổ thu gom rác tự quản; 3 đơn vị thực hiện mô hình “Chi hội phụ nữ hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần”… Thông qua đó, tạo cho hội viên, PN thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo môi trường sống xanh-sạch-đẹp.
Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của tổ chức đoàn thể, chia sẻ rộng rãi các mô hình trên phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa, dần thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong sinh hoạt, sản xuất.
THANH TRÚC