Tập thể người dân tổ dân phố Lợi Phú, phường Cam Lợi (thành phố Cam Ranh) vừa có đơn gửi Báo Khánh Hòa phản ánh một cơ sở sửa chữa tàu gây ô nhiễm môi trường. UBND phường Cam Lợi phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố đã kiểm tra thực tế, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Tập thể người dân tổ dân phố Lợi Phú, phường Cam Lợi (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) vừa có đơn gửi Báo Khánh Hòa phản ánh một cơ sở sửa chữa tàu gây ô nhiễm môi trường. UBND phường Cam Lợi phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố đã kiểm tra thực tế, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Sửa tàu gây ô nhiễm
Cơ sở sửa tàu Hồng Phát do bà Diệp Liễu Huê và ông Hồ Ngọc Quý làm chủ nằm ở cuối đường Trần Hưng Đạo, tiếp giáp với vùng biển, có nhà dân xung quanh. Theo phản ánh của người dân, vị trí này không phù hợp để làm cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển. Tuy nhiên, nhiều năm nay, cơ sở này hoạt động gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Mười (tổ dân phố Lợi Phú) cho biết, hoạt động sửa tàu hàng ngày không những gây tiếng ồn lớn mà còn làm phát tán bột cưa, bột sơn nạo vỏ tàu, bụi sơn bay vào nhà dân; nhất là những ngày gió mạnh, người dân đóng kín cửa để ăn cơm mà bụi vẫn bay vào. Ngoài ra, nước rửa vỏ ghe thải trực tiếp ra môi trường biển gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và môi trường chung. Vì thế, người dân rất bức xúc đề nghị chính quyền địa phương, các ngành chức năng kiểm tra, xử lý cơ sở sửa tàu Hồng Phát hoặc di dời cơ sở này đi nơi khác.
Theo lãnh đạo UBND phường Cam Lợi, cơ sở sửa chữa tàu Hồng Phát đã tồn tại ở tổ dân phố Lợi Phú hơn 20 năm nay. Lúc trước, khu vực này hoang vắng, không có người dân sinh sống. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân xây dựng nhà quanh đây nhiều nên cơ sở sửa tàu ít nhiều có gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Yêu cầu khắc phục
Mới đây, UBND phường Cam Lợi đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Cam Ranh kiểm tra hoạt động của cơ sở sửa chữa tàu Hồng Phát. Tại thời điểm kiểm tra có 6 chiếc tàu gỗ đang sửa chữa tại xưởng; trên mặt đất có gỗ, rác thải từ hoạt động sửa chữa, nhớt thải loang ra… Quá trình sửa chữa tàu có gây tiếng ồn, bụi cưa, mùi sơn phát tán ra trong không khí, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; vị trí giáp đường đi và giáp biển không được che chắn bằng vách ngăn cố định. Qua kiểm tra hồ sơ, hộ bà Huê có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề sửa chữa tàu biển, phương án chữa cháy và hồ sơ theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Ông Võ Đức Hoang - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Lợi cho biết, theo các quy định liên quan thì cơ sở sửa chữa tàu Hồng Phát thuộc đối tượng được miễn thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do hoạt động của cơ sở phát tán mùi đặc trưng và bụi từ việc sơn vỏ tàu thuyền, rác thải từ các hoạt động sửa tàu nên tổ kiểm tra đã đề nghị bà Diệp Liễu Huê khẩn trương lập phương án môi trường tự quản lý tại cơ sở và có biện pháp hạn chế phát sinh chất thải, hạn chế các tác động đến người dân và môi trường xung quanh. Sau đó, UBND phường và Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra việc chấp hành của cơ sở; nếu chưa chấp hành, tổ kiểm tra sẽ lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Qua trao đổi, bà Diệp Liễu Huê thừa nhận cơ sở sửa chữa tàu Hồng Phát có gây ô nhiễm, nhưng không nhiều. “Xưởng của tôi rộng gần 1.000m2, trước kia sửa chữa chủ yếu tàu lớn, số lượng nhiều; hiện nay, chủ yếu sửa chữa các tàu nhỏ, số lượng không nhiều. Tuy nhiên, theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tôi đang thuê người khẩn trương xây dựng rào chắn xung quanh xưởng, đồng thời nghiên cứu giải pháp hạn chế mùi sơn và bụi gỗ phát sinh”, bà Huê cho biết.
NHẬT THANH