11:05, 11/05/2021

Rạn san hô vịnh Nha Trang: Suy giảm nghiêm trọng

Kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Sinh thái học và tiến hóa - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại Nha Trang và Viện Hải dương học trên tạp chí Marine and Freshwater Research (tháng 3-2021) ghi nhận 90% san hô ở vịnh Nha Trang đã biến mất so với những năm 1980. Trong đó, giai đoạn hiện nay suy giảm mạnh nhất, đáng báo động.

Kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Sinh thái học và tiến hóa - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại Nha Trang và Viện Hải dương học trên tạp chí Marine and Freshwater Research (tháng 3-2021) ghi nhận 90% san hô ở vịnh Nha Trang đã biến mất so với những năm 1980. Trong đó, giai đoạn hiện nay suy giảm mạnh nhất, đáng báo động.


San hô biến mất?


Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Konstantin Tkachenko đứng đầu và cộng sự tiến hành khảo sát san hô ở 10 điểm trong khoảng 3 năm (2016 - 2019). Độ che phủ san hô trung bình giảm 64,4%, trong đó mức giảm mạnh nhất là hai chi san hô Acropora và Montipora, vốn là thành phần chủ yếu của rạn san hô ở vịnh Nha Trang, suy giảm lần lượt mức 80,6% và 82,3%. Mức độ suy giảm của san hô ở các điểm khảo sát trên đều nghiêm trọng. Tại đảo Hòn Một, loài san hô này đã mất hoàn toàn hay độ che phủ giảm 4 - 8 lần.

 

Thu mẫu san hô trên vịnh Nha Trang.

Thu mẫu san hô trên vịnh Nha Trang.


Kết quả quan sát, thu thập mẫu phân tích tại 20 điểm cố định (2013 - 2019), kết hợp công cụ lập bản đồ rạn và phân tích hệ thống thông tin địa lý GIS cho phép so sánh với 4 thập niên trước cho thấy, tổng diện tích rạn san hô phong phú và khỏe mạnh ở vịnh Nha Trang đã giảm từ 6,65km2 trước năm 1980 xuống còn 0,74km2 vào năm 2019. Điều đó cho thấy, Nha Trang đã mất 90% san hô trong vòng chưa đầy 40 năm. 10% còn lại của quần xã san hô trong hai tình trạng: Một số vẫn ổn định và một số tiếp tục suy giảm, mức độ che phủ dao động từ 13 - 50% và tính phong phú đa dạng của loài cũng suy giảm nhiều.


Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, các kết quả nghiên cứu và công bố gần đây (năm 2015, 2017, 2019 và 2020) của Viện Hải dương học về hiện trạng, xu thế biến động rạn san hô trong Khu Bảo tồn vịnh Nha Trang cũng cho thấy độ phủ trung bình của san hô cứng ở vịnh Nha Trang đạt 22,8%. Độ phủ rạn san hô ở vịnh Nha Trang có thể chia làm 3 nhóm: Nhóm có độ phủ cao là khu vực Hòn Mun đạt giá trị bậc 4 (độ phủ 51 - 75%); nhóm có độ phủ trung bình là Bãi Bàng, Hòn Chồng, Hòn Vung và Hòn Tằm đạt giá trị bậc 2 (10 - 30%) và nhóm có độ phủ thấp là các điểm còn lại đạt giá trị bậc 1 (dưới 10%). Kết quả đánh giá tại các điểm giám sát cố định ở vịnh Nha Trang cho thấy các điểm giám sát nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt đều có giá trị độ phủ san hô cứng cao và duy trì độ ổn định theo thời gian từ 2002 - 2015. Trong khi đó, phần lớn các điểm giám sát nằm bên ngoài vùng bảo vệ nghiêm ngặt đều có biến động theo chiều hướng giảm. So sánh với kết quả năm 1994 (hơn 25 năm), độ phủ trung bình của san hô vịnh Nha Trang khoảng 30% thì hiện nay độ phủ san hô còn 7,2%. Diện tích rạn san hô suy giảm từ 754ha xuống còn 636,6ha (giảm 117,4ha, tương đương 13,5%).


9 loài san hô cứng có khả năng phục hồi


Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền cho rằng, suy giảm rạn san hô trong vịnh có nhiều nguyên nhân như: Khai thác hủy diệt bằng chất nổ, xyanua (hiện nay không còn); ô nhiễm môi trường (các hoạt động du lịch, xả thải, nuôi trồng thủy sản…) làm thay đổi điều kiện sống, xuất hiện san hô bị bệnh, bùng nổ sinh vật ăn san hô (sao biển gai) và hiện tượng ưu dưỡng (phú dưỡng) cục bộ; hiện tượng tẩy trắng san hô và các tai biến thiên nhiên (bão, lũ)... Tuy nhiên, việc mất rạn san hô lớn nhất là do quá trình san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và dân sinh tại các vùng ven bờ và ven đảo. Việc san lấp không chỉ làm mất diện tích rạn san hô mà còn đưa lượng trầm tích ra biển, gây lắng đọng trên bề mặt rạn làm san hô bị chết.


Thời gian qua, Viện Hải dương học đã thử nghiệm phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang, đã xác định 9 loài san hô cứng có khả năng phục hồi với tỷ lệ sống đạt trên 60%, tốc độ tăng trưởng trung bình từ 0,4 - 6,5mm/tháng. Kết quả này mang lại những hiệu quả nhất định, góp phần giảm thiểu những tác động bất lợi đối với rạn san hô, cải thiện các vùng rạn bằng cách làm gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật rạn. Tuy nhiên, so sánh với các khu vực phục hồi khác ở vùng biển Việt Nam như Lý Sơn, Bình Định, Côn Đảo thì tỷ lệ sống của san hô phục hồi ở vịnh Nha Trang không cao. Một số nguyên nhân được xác định như: Địch hại của san hô, sự cạnh tranh không gian giữa các loài, chất lượng môi trường thay đổi do hoạt động gián tiếp từ con người và các yếu tố khác như chế độ động lực, san hô bị tổn thương tại các vết cắt. Vì vậy, tỉnh cần có đánh giá toàn diện để có giải pháp cho vấn đề này.


V.L