Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều bãi rác chôn lấp không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường. UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động xử lý chất thải rắn trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều bãi rác chôn lấp không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường. UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động xử lý chất thải rắn trên địa bàn.
Nhiều bãi chôn lấp không đảm bảo
Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo số liệu từ đồ án, năm 2018, tổng số lượng chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh hơn 1.028 tấn/ngày, năm 2020 là 1.033 tấn/ngày. Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh đến năm 2025 là 1.491 tấn/ngày và năm 2030 là 1.937 tấn/ngày.
Trong khi đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 bãi rác gồm: Hòn Rọ (thị xã Ninh Hòa) và Lương Sơn (TP. Nha Trang) đạt tiêu chuẩn bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ông Nguyễn Sơn Vũ - Trưởng phòng TN-MT thị xã Ninh Hòa cho biết, tại khu vực nông thôn, hầu hết các xã đã tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong khu dân cư tập trung. Tuy nhiên, việc thực hiện tốt công tác thu gom lại gây áp lực lớn lên các bãi rác tập trung, trong khi công tác xử lý vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công. Các bãi rác tập trung ở các xã, cụm xã chưa được đầu tư bài bản, hợp vệ sinh, chỉ đào hố, sau khi đổ đầy thì phủ đất bề mặt chôn lấp.
Với số lượng chất thải rắn ngày càng gia tăng, chất lượng nhiều bãi chôn lấp không đảm bảo, năm 2020, trong báo cáo kết quả kiểm tra công tác thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, Sở Tư pháp đã kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường tại khu vực các bãi chôn lấp theo quy hoạch; hỗ trợ địa phương trong khắc phục ô nhiễm môi trường tạm thời tại các bãi rác không hợp vệ sinh; từng bước đóng cửa tất cả các bãi chôn lấp quy mô ở cấp xã, huyện không phù hợp quy hoạch đảm bảo vệ sinh.
Tăng cường quản lý nhà nước
Được biết, để giải quyết kiến nghị của Sở Tư pháp, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở TN-MT, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xử lý.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang đã thực hiện đầu tư, vận hành bãi chôn lấp và nhà máy xử lý rác. TP. Cam Ranh hàng năm đều phân bổ kinh phí chi thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Thị xã Ninh Hòa đã xử lý rác tại bãi rác Hòn Rọ nhưng do địa bàn rộng, nhiều đơn vị hành chính cấp xã, cần tăng định mức chi cho hoạt động bảo vệ môi trường; đồng thời, hỗ trợ kinh phí xử lý bãi rác các xã: Ninh Bình, Ninh Đông, Ninh Hưng. Huyện Vạn Ninh đã đầu tư mới bãi rác Suối Hàng sử dụng phương thức chôn lấp đảm bảo vệ sinh, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ tháng 6-2021. Huyện Cam Lâm đã tiến hành các thủ tục báo cáo đầu tư bãi rác Khánh Thành tại xã Suối Cát, sau khi bãi rác này được xây dựng, đưa vào hoạt động sẽ đóng cửa những bãi rác tại các xã, thị trấn. Tại huyện Khánh Vĩnh, các bãi rác tại các xã, thị trấn đã được huyện xử lý mùi bằng chế phẩm sinh học được sử dụng từ nguồn dự toán sự nghiệp môi trường giao cho huyện hàng năm để thực hiện. Tại huyện Khánh Vĩnh, những bãi rác tại các xã, thị trấn đã được xử lý mùi bằng chế phẩm sinh học; kinh phí được sử dụng từ nguồn dự toán sự nghiệp môi trường giao cho huyện hàng năm.
Sở Tài chính cho rằng, nội dung kiến nghị của Sở Tư pháp thuộc trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố theo Quyết định số 17 của UBND tỉnh về ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; còn trách nhiệm tham mưu kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm của Sở TN-MT. UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất với nội dung tham mưu của Sở Tài chính; đồng thời, giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước đối với các hoạt động quản lý, xử lý chất thải rắn trên phạm vi địa bàn.
THÁI THỊNH