09:12, 10/12/2020

Tăng cường xử lý môi trường, phòng dịch sau mưa lũ

Hơn 1 tuần nay, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường công tác khử khuẩn tại các hộ gia đình, trường học, địa điểm công cộng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát sau mưa lũ. 

Hơn 1 tuần nay, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường công tác khử khuẩn tại các hộ gia đình, trường học, địa điểm công cộng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát sau mưa lũ.  


Xử lý môi trường sau mưa lũ


Đợt mưa lụt vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, nhà ông Lê Hữu Tường (thôn Đắc Lộc 1, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) ngập sâu trong nước; giếng nước sinh hoạt cũng bị nước lũ tràn vào, gây ô nhiễm. Sau khi nước rút, Trạm Y tế xã cùng cán bộ thôn đã đến xử lý hóa chất giếng nước sinh hoạt của gia đình ông. Sau 1 tuần, cán bộ trạm lại tới kiểm tra và thực hiện xử lý giếng nước lần 2. Ông Tường cho biết: “Đợt mưa lũ vừa rồi, nhà tôi ngập gần 1m, nước lũ kéo theo vô số rác, chất thải… rất ô nhiễm. Thực hiện theo hướng dẫn của trạm y tế và thôn, gia đình tôi dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa ngay khi nước vừa rút. Giếng nước thì được cán bộ y tế xử lý kịp thời nên gia đình tôi đã an tâm sử dụng lại”.

 

Xử lý hóa chất giếng nước của hộ dân  xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang.

Xử lý hóa chất giếng nước của hộ dân xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang.


Cùng với nhà ông Cường, 28/28 giếng nước của các hộ gia đình bị ngập do mưa lũ trên địa bàn xã Vĩnh Phương đều được xử lý bằng hóa chất Cloramin B. Nhận được sự chỉ đạo từ Trung tâm Y tế thành phố, khi mưa lũ xảy ra, tất cả trạm y tế địa phương đã phối hợp với chính quyền dùng lực lượng 4 tại chỗ để thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh cho người dân. Qua kiểm tra, giám sát sau lũ của Trung tâm Y tế TP. Nha Trang cho thấy, các địa phương thực hiện rất tốt công tác trên, đặc biệt xử lý kịp thời nguồn nước. Ông Trương Trí Cường - Phó khoa Y tế công cộng và dinh dưỡng Trung tâm Y tế TP. Nha Trang cho biết: “Để phòng dịch bệnh, nhất là sau các đợt mưa lũ, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế TP. Nha Trang đã cấp phát hơn 70kg CloraminB và 15 cơ số thuốc phòng, chống bão lụt cho y tế cơ sở. Trung tâm đang lên kế hoạch đề xuất Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp 10.000 viên CloraminB và 1 tấn CloraminB bột cho các địa phương, giúp y tế địa phương chủ động xử lý môi trường và dịch bệnh khi có tình huống”.


Bên cạnh việc chủ động xử lý các giếng khoan, giếng đào, dụng cụ chứa nước ăn, nước sinh hoạt cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương còn phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thu gom xác động vật chết; phun hóa chất diệt côn trùng, giám sát y tế ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo phòng ngừa các dịch bệnh thường phát sinh sau lũ như: Đau mắt đỏ, bệnh về da, tiêu hóa, sốt xuất huyết, tay chân miệng… không bùng phát thành dịch. Đến nay, công tác xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh được hoàn thành. Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn tỉnh được khống chế, số ca mắc có xu hướng giảm. Cụ thể, tuần đầu tháng 12, toàn tỉnh ghi nhận 468 ca mắc sốt xuất huyết mới, giảm khoảng 35% so với tuần cuối tháng 11; 31 ca tay chân miệng mới, giảm gần 50%.

 
Tiếp tục tăng cường công tác giám sát y tế


Ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã cấp vật tư hóa chất, các cơ số thuốc cho các địa phương để ứng phó, xử lý kịp thời khi lũ lụt xảy ra. Sau khi xảy ra lụt, trung tâm tiếp tục cấp phát dựa trên nhu cầu của các địa phương. Đồng thời, cử người về các địa phương để giám sát hoạt động xử lý môi trường, phòng dịch bệnh. Nhờ sự vào cuộc của chính quyền, các cấp, ngành đã góp phần xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe của người dân. Đến nay, tỉnh không có dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát sau mưa lũ”.


Trước những diễn biến phức tạp của một số dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh và dự báo mưa lũ có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh vẫn đang tăng cường công tác giám sát y tế, phun hóa chất diệt côn trùng tại khu vực bị ngập sau khi nước rút. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân.  


C.Đan