11:11, 30/11/2020

Sơ chế phụ phẩm thủy sản gây ô nhiễm môi trường

Mấy tuần qua, các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Suối Dầu liên tục có đơn phản ánh về một cơ sở sơ chế đầu, vỏ tôm cạnh Khu Công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của công nhân và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Mấy tuần qua, các doanh nghiệp (DN) trong Khu Công nghiệp (KCN) Suối Dầu liên tục có đơn phản ánh về một cơ sở sơ chế đầu, vỏ tôm cạnh KCN gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của công nhân và hoạt động sản xuất của các DN.


Ô nhiễm nghiêm trọng


Men theo con đường bê tông quanh KCN Suối Dầu, chúng tôi đến 2 khu đất trống rộng hàng ngàn mét vuông ở thôn Dầu Sơn (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) được một hộ trưng dụng làm bãi phơi đầu và vỏ tôm. Ở đó, có gần chục công nhân đang cào, xới phơi đầu, vỏ tôm. Do mấy ngày qua, khu vực này có mưa nên vỏ, đầu tôm được chủ cơ sở đắp thành đống, phát sinh dòi bọ, ruồi nhặng, nước từ các đống phụ phẩm rỉ ra đen kịt, bốc mùi hôi thối phát tán khắp nơi.

 

Người lao động được ông Hồ Nhâm Thạch  thuê phơi vỏ, đầu tôm.

Người lao động được ông Hồ Nhâm Thạch thuê phơi vỏ, đầu tôm.


Qua tìm hiểu, cơ sở sơ chế phụ phẩm thủy sản nói trên của ông Hồ Nhâm Thạch (thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân). Ông Thạch cho biết, đầu, vỏ tôm ông mua của một số DN chế biến thủy sản trong KCN Suối Dầu để bán cho các DN sản xuất chitin, chitosan và làm thức ăn chăn nuôi. Để hạn chế mùi, gia đình thường xuyên xử lý nền phơi bằng clo; đồng thời phủ bạt khi trời mưa để tránh phát tán mùi. Khi chúng tôi hỏi việc sơ chế vỏ, đầu tôm của gia đình có được cấp phép, ông Thạch nói: “Gia đình tôi tự mua về phơi để bán lại kiếm chút lời. Mỗi năm, tôi làm từ tháng 6 đến qua Tết là nghỉ. Mỗi ngày, tôi thu mua khoảng 2 đến 3 tấn vỏ, đầu tôm về sơ chế. Nếu phạt, cấm thì tôi nghỉ làm, khi đó các DN chế biến thủy sản sẽ không biết xử lý vỏ, đầu tôm ra sao?”. 

    
Lãnh đạo một DN có vốn đầu tư nước ngoài ở KCN Suối Dầu, sát với cơ sở sơ chế phụ phẩm vỏ, đầu tôm này cho biết, tuy có tường rào bao quanh nhưng mùi hôi thối lan tỏa xung quanh khiến công nhân liên tục bị nôn ói, không làm việc được. Vào giờ ăn ca, nhiều công nhân bỏ ăn vì mùi hôi. Được biết, đã có 6 DN trong KCN Suối Dầu có đơn phản ánh về vấn đề này.


Phải cấm hoạt động


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Khuê - Chủ tịch UBND xã Suối Tân cho rằng, KCN Suối Dầu quản lý chưa tốt các DN trong KCN nên mới để xảy ra tình trạng DN bán phế phẩm thủy sản ra bên ngoài cho người dân sơ chế, gây ô nhiễm. Đồng thời, người thu mua chính là nhân viên của KCN Suối Dầu. Thực ra, đầu vỏ tôm cũng là rác thải công nghiệp, do vậy, nếu KCN quản lý tốt, xử lý đúng quy trình thì sẽ không thể xảy ra việc ô nhiễm nói trên. Đối với hộ ông Thạch, địa phương đã nhắc nhở, xử phạt nhiều lần vì sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, xử phạt, cấm chỗ này thì ông Thạch lại chuyển tới chỗ khác để làm và lại gây ô nhiễm. Do vậy, thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm.


Ông Lê Anh Sơn - cán bộ môi trường Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu cho biết, việc các DN trong KCN bán vỏ, đầu tôm ra bên ngoài là quyền của họ, KCN không thể can thiệp. Cá nhân ông Hồ Nhâm Thạch tuy là nhân viên của công ty nhưng hoạt động mua bán, sơ chế vỏ, đầu tôm là hoạt động riêng của gia đình, đơn vị cũng không thể ngăn cấm được. Đặc biệt, hiện nay, trong KCN nói riêng và toàn tỉnh nói chung vẫn chưa có DN thu mua vỏ, đầu tôm để chế biến theo quy trình khép kín. Vì thế, nếu đem chôn lấp vừa gây lãng phí vừa không đảm bảo môi trường. Do vậy, tỉnh, các ngành chức năng cần kêu gọi các nhà đầu tư nhà máy chuyên thu mua, chế biến phụ phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh để giải quyết vấn đề này.


Ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, sở đã lập đoàn kiểm tra thực tế và ghi nhận mùi hôi thối xuất phát từ hoạt động phơi vỏ, đầu tôm lộ thiên, không đảm bảo vệ sinh môi trường của hộ ông Hồ Nhâm Thạch nằm ở phía tây bắc KCN Suối Dầu. Việc phơi phụ phẩm thủy sản thủ công làm mùi hôi lan rộng trong không khí đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của công nhân. Mặt khác, khi trời có mưa, nước sẽ cuốn theo các chất bẩn gây ô nhiễm cho khu dân cư. Do vậy, sở đã giao trách nhiệm cho UBND huyện Cam Lâm chỉ đạo các phòng, ban, xã Suối Tân thực hiện xử lý theo hướng phải cấm hoạt động. Thời gian tới, đơn vị sẽ cấm các DN bán vỏ, đầu tôm cho những tổ chức, cá nhân không đủ năng lực xử lý. Bên cạnh đó, đơn vị đang liên hệ một số DN ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương khảo sát, đầu tư nhà máy thu gom phụ phẩm thủy sản. Trong tháng 12 tới sẽ có một DN tới khảo sát.


VĂN GIANG