Là xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016 nhưng Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) đang chịu nhiều áp lực về môi trường. Nguyên nhân là do hoạt động của các nhà máy trên địa bàn và tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm trong khu dân cư.
Là xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016 nhưng Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) đang chịu nhiều áp lực về môi trường. Nguyên nhân là do hoạt động của các nhà máy trên địa bàn và tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm trong khu dân cư.
Ô nhiễm bủa vây
Hiện nay, trên địa bàn xã có tới hàng chục công ty, xí nghiệp, đơn vị sản xuất công nghiệp. Phần lớn các đơn vị này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ở dạng gia công và thủ công như: chế biến thủy hải sản, dệt nhuộm, sơn, sản xuất nhôm..., không chỉ tiềm ẩn nguy cơ chất thải nguy hại mà còn rất dễ gây ô nhiễm không khí, nước thải, chất thải. Bên cạnh đó, còn có tình trạng bụi do hoạt động sản xuất, vận chuyển bê tông tươi; hoạt động xả thải của các cơ sở cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường. Tuy các doanh nghiệp đều có hồ sơ đánh giá tác động môi trường, nhưng những sự cố môi trường vẫn khiến người dân bức xúc. Chẳng hạn, Công ty TNHH Đánh bắt chế biến thủy sản Hoàng Sa thường xuyên bị nêu tên do xả thải gây ô nhiễm môi trường. Bàu Dinh, điểm cuối của các hoạt động xả thải trong khu vực, gần như rất khó khắc phục mức độ ô nhiễm dù Nhà nước đã triển khai dự án nạo vét, làm sạch từ năm 2017.
Ông Phan Văn Chiến - Trưởng thôn Tân Thành cho biết, ngoài các hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, trong thôn có một số hộ nuôi heo, phần lớn áp dụng phương pháp đệm lót, nhưng cũng có hộ làm không tốt nên gây mùi hôi nồng nặc khiến người dân phản ánh.
Kiến nghị di dời các cơ sở
Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Phương, ngoài Cụm công nghiệp Đắc Lộc, còn có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp nằm bên ngoài tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nước thải. Cụm công nghiệp Đắc Lộc là khu vực sản xuất khô, hạn chế nước thải nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm không khí, nhất là tình trạng mùi rất khó khắc phục. Nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thậm chí theo chuẩn quốc tế nhưng vẫn ảnh hưởng đến môi trường. Việc chăn nuôi heo trong khu dân cư cũng là vấn đề nhức nhối. Nước thải từ chăn nuôi heo chảy theo mương ra Quốc lộ 1 gây bức xúc. Do các hộ nuôi mật độ lớn, tập trung trong khu dân cư nên dù có làm hầm biogas vẫn không tránh khỏi mùi hôi.
Bà Trần Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương cho biết, các khiếu kiện môi trường đối với xã chiếm đa số trong các kiến nghị của người dân, bình quân 1 năm cả chục vụ. Tuy nhiên, thẩm quyền của xã chỉ có kiểm tra, nhắc nhở là chính, còn xử phạt chưa có tính răn đe. Hơn nữa, phần lớn các đơn vị trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý cấp tỉnh, thành phố. Vì thế, xã chỉ có thể phối hợp các cấp, ngành chức năng để xử lý hậu quả. Giải pháp hiện nay trong vấn đề môi trường vẫn là tình thế, chủ yếu phối hợp kiểm tra, yêu cầu các đơn vị có các hoạt động xả thải gây ô nhiễm thực hiện đúng chức năng, giải pháp theo hồ sơ cam kết. Hiện tại, hồ sơ môi trường của các đơn vị đều có và thực hiện theo yêu cầu của ngành chức năng. Tuy nhiên, vấn đề này không phải đơn vị nào cũng làm tốt. Do đó, địa phương đã kiến nghị thành phố, tỉnh có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp vào khu công nghiệp tập trung; đồng thời có kế hoạch xây dựng khu chăn nuôi tập trung. Có như vậy, xã mới giảm được áp lực về môi trường đang diễn ra hàng ngày, bảo đảm tiêu chí về môi trường, xây dựng nông thôn mới.
P.LÂM