Ngày 3-4, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp nghe đơn vị tư vấn báo cáo đồ án Chương trình phát triển đô thị TP. Nha Trang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Ngày 3-4, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp nghe đơn vị tư vấn báo cáo đồ án Chương trình phát triển đô thị TP. Nha Trang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ông Lê Đức Vinh chỉ đạo các đơn vị phối hợp rà soát, đưa ra lộ trình cụ thể để hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, phấn đấu đến năm 2020 toàn thành phố đạt chuẩn đô thị loại I.
Còn nhiều hạn chế
Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, với vị trí là thành phố du lịch năng động và hấp dẫn, Nha Trang ngày càng phát triển sôi động với nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị mới. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai 108 dự án về các lĩnh vực nhà ở, tái định cư, khu đô thị, khu du lịch, trong đó có 53 dự án nhà ở thuộc Chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Các dự án này có tổng quy mô sử dụng đất lên đến hơn 3.800ha, trong đó có khoảng hơn 1.000ha đã được thống kê hiện trạng đất xây dựng đô thị; quy mô dân số dự báo có thể dung nạp gần 600.000 người; tổng vốn đầu tư khoảng 99.573 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với sự phát triển nóng trong những năm gần đây, Nha Trang đang bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện chương trình phát triển đô thị. Về công trình công cộng, tuy tốc độ tăng không cao nhưng dân số vẫn tiếp tục tăng. Quỹ đất cho trường học không đáp ứng được các tiêu chuẩn (2,7m2/người). Các công trình sân chơi, vườn hoa, vườn dạo trong các khu dân cư hiện hữu còn thiếu (chưa đạt chuẩn 2m2/người). Về hạ tầng kỹ thuật, dân số tăng bình quân khoảng 0,39%/năm nhưng khách du lịch tăng hơn 20%/năm, trong khi đó đất dành cho giao thông tăng hàng năm không đáng kể. Chính vì vậy, cùng với tỷ lệ sử dụng phương tiện cá nhân cao đã gây áp lực lên hạ tầng giao thông, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra ở khu vực trung tâm.
Sau thời gian dài khảo sát, đơn vị tư vấn còn chỉ ra rằng, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các dự án hạ tầng xã hội gặp nhiều khó khăn do kém thu hút hơn so với các dự án nhà ở, khu đô thị… Một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân đến ở. Hiện nay, nhu cầu vốn thực hiện phát triển đô thị lên đến hơn 31.200 tỷ đồng nhưng kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 5 năm rất hạn chế, khiến nhiều dự án chưa thể thực hiện được, một số dự án phải chuyển qua giai đoạn sau.
Đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho biết, trong 59 tiêu chí đánh giá đạt chuẩn đô thị loại I, Nha Trang vẫn còn 16 tiêu chí mới đạt mức tối thiểu hoặc trên mức tối thiểu, đặc biệt còn 6 tiêu chí chưa đạt mức tối thiểu, gồm: mật độ đường chính; tỷ lệ tăng dân số hàng năm; thu nhập bình quân đầu người; đất cây xanh công cộng khu vực nội thị; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn.
Rà soát loại bỏ dự án không đảm bảo
Theo ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, đồ án Chương trình phát triển đô thị TP. Nha Trang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 phải gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Qua báo cáo của đơn vị tư vấn cho thấy, đồ án mới chỉ cập nhật danh sách các dự án đang triển khai mà chưa nói nhiều về hạ tầng giao thông cũng như giải pháp phát triển để giải quyết tình trạng kẹt xe cục bộ hiện nay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho rằng, hạn chế hiện nay là nguồn vốn kêu gọi từ các thành phần kinh tế gặp nhiều khó khăn, trong khi ngân sách đầu tư hàng năm rất ít. Đặc biệt, vấn đề nhức nhối hiện nay là các khu đô thị, khu nhà ở triển khai chậm tiến độ, nhiều khu đô thị chỉ chú trọng phân lô bán nền, chưa chú trọng xây dựng trường học, khu công cộng và công viên cây xanh.
Ông Lê Đức Vinh nhận định, Chương trình phát triển đô thị của TP. Nha Trang đang triển khai rất chậm, do chưa được cụ thể hóa mục tiêu để bám sát thực hiện. Hiện nay, Nha Trang phát triển quá nóng dẫn đến phát sinh nhiều tồn tại về hạ tầng giao thông, công trình công cộng. Chính vì vậy, các sở, ngành và TP. Nha Trang cần rà soát các quy hoạch để đưa vào đồ án những dự án ưu tiên, nhằm tạo ra sự phát triển đột phá, hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu. Đối với những dự án kéo dài do đền bù giải tỏa khó khăn thì rà soát và đề xuất thu hẹp lại. Đối với dự án đã phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc đã triển khai, đặc biệt là dự án trên đồi núi thì cần phải rà soát, đánh giá tác động môi trường, nếu không đảm bảo thì phải ngừng và bỏ ra khỏi đồ án.
VĂN KỲ