Hơn 1 năm qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (gọi tắt là Công ty Phúc Sơn) đã cho xà lan hút hơn 400.000m3 cát tại khu vực biển xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Người dân cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cát trong bờ rút dần ra biển, gây sạt lở nhà…
Hơn 1 năm qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (gọi tắt là Công ty Phúc Sơn) đã cho xà lan hút hơn 400.000m3 cát tại khu vực biển xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Người dân cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cát trong bờ rút dần ra biển, gây sạt lở nhà…
Người dân phản đối
Từ giữa năm 2014, được sự đồng ý của các bộ, ngành liên quan, Công ty Phúc Sơn đã cho tàu hút cát tại khu vực biển xã Đại Lãnh và xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh). Theo phản ánh của người dân ven biển Đại Lãnh, từ khi tàu hút cát, cát ven biển đã bị rút dần, không thể bồi đắp lại được. Chỉ vào móng nhà bị hở hàm ếch khoảng gần 1m, bà Mai Thị Bích (xóm 1, thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh) cho biết, trước kia, cát cao gần bằng nền nhà. Nhưng hơn 1 năm nay, cát cứ tụt dần. Giờ đây, muốn bước từ nền nhà xuống bờ biển phải xây thêm 5 bậc cấp. Đó là chưa kể việc xung quanh móng nhà cát cứ rút dần, lòi móng rất nguy hiểm...
Xà lan hút cát của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn |
Kế bên nhà bà Bích, nhà bà Trần Thị Nõn phải dùng bao xi măng đựng đầy cát đắp quanh móng nhà, làm bậc cấp lên xuống vì cát đã tụt quá nhiều. Bà Nõn lo lắng: “Trước đây, cát có thể rút rồi bồi lại theo quy luật của tự nhiên. Nhưng từ khi có tàu hút cát, cát rút rồi mất luôn. Mùa mưa bão sắp đến, nếu không có biện pháp khắc phục thì những nhà quanh đây có thể bị sóng đánh sập”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tươi cho biết, bà mới phải mang sổ đỏ đi thế chấp ở ngân hàng lấy 30 triệu đồng để đắp lại móng nhà, bởi cát rút làm móng nhà sập theo. Hiện nay, tường nhà, móng nhà của bà Tươi đã bị nứt một số chỗ. Còn ông Nguyễn Thành nói: “Khi chưa có tàu hút cát về, chúng tôi làm nghề thả chà bắt tôm hùm con, bán mỗi ngày cũng kiếm được vài triệu đồng. Bây giờ, tôm hùm không có, người dân không biết làm gì để sống, khó khăn muôn phần”.
Quá bức xúc về những vấn đề trên, ngày 1 và 2-8, hàng chục người dân xã Đại Lãnh đi trên hơn 20 chiếc ghe kéo đến bao vây tàu hút cát của Công ty Phúc Sơn, ném gạch đá để phản đối, làm vỡ 4 tấm kính chắn gió của xà lan; đồng thời có gần 30 phụ nữ, trẻ em kéo đến UBND xã Đại Lãnh để phản đối tàu hút cát.
Nhà nhiều hộ dân ven biển xã Đại Lãnh bị lòi móng vì cát sụt |
Ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, sáng 2-8, lực lượng Biên phòng, Quân sự trên địa bàn huyện đã cử người ra giảng hòa. Cùng ngày, Công ty Phúc Sơn đã cho tàu rút khỏi vùng biển huyện Vạn Ninh. Ngày 3-8, UBND huyện Vạn Ninh phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp với Công ty Phúc Sơn và các đơn vị liên quan để giải quyết vụ việc. Ông Thú nói: “Xã không có chuyên môn để khẳng định tàu hút cát có phải là nguyên nhân gây sạt lở móng nhà dân hay không. Tuy Công ty Phúc Sơn được Chính phủ cho phép thực hiện, các bộ, ngành đã thẩm định, nhưng khi người dân phản đối thì cũng nên dừng lại để xem xét...”.
Dự án hút hơn 23 triệu m3 cát
Theo lãnh đạo UBND xã Đại Lãnh, tàu hút cát của Công ty Phúc Sơn thực hiện dự án nạo vét khơi thông luồng lạch hàng hải trong vịnh Vân Phong, đã được Chính phủ cho phép. Trong văn bản ngày 3-7 của Bộ Xây dựng gửi Công ty Phúc Sơn đã thống nhất chủ trương theo đề nghị của UBND tỉnh về việc xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ dự án trên với tổng khối lượng lên đến 23,35 triệu m3, thực hiện từ ngày 30-6-2014 đến ngày 10-6-2017. Bộ Xây dựng cũng đã hướng dẫn Công ty Phúc Sơn làm thủ tục và khai thác 7,75 triệu m3 cát từ ngày 30-6-2014 đến 30-6-2015. Tuy nhiên, do thời tiết xấu nên công ty mới chỉ khai thác được 415.427m3 thì phải dừng lại (dừng từ tháng 10-2014). Cuối tháng 5-2015, UBND tỉnh và Công ty Phúc Sơn đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin gia hạn thời gian khai thác xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ dự án. Bộ Xây dựng đã đồng ý gia hạn cho phép khai thác hơn 7,334 triệu m3 cát trong thời gian từ nay đến 30-6-2016. Tuy nhiên, khi Công ty Phúc Sơn vừa đưa tàu quay lại khai thác thì bị người dân phản đối nên phải rút đi nơi khác.
Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công ty Phúc Sơn được các cơ quan có thẩm quyền cho phép nạo vét luồng lạch hàng hải vào Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong kết hợp tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Địa điểm khai thác cát thuộc khu vực biển phía đông đường vào Cảng Vân Phong, từ đèo Cổ Mã đến xã Vạn Thạnh với chiều dài hơn 10km. |
Về vấn đề này, ngày 3-8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh. Trong báo cáo, Thượng tá Trần Quốc Toàn - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thông báo diễn biến vụ việc người dân tụ tập gây mất an ninh trật tự; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Phúc Sơn tạm dừng hút cát, ngành Tài nguyên - Môi trường kiểm tra đánh giá tác động môi trường để khắc phục những sơ hở, thiếu sót. Mới đây, ông Trần Kim Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cũng có văn bản đề nghị Công ty Phúc Sơn tạm dừng hút cát cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; bổ sung lắp đặt bảng thông tin về dự án để người dân biết...
Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh sớm chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong và các ngành, đơn vị chức năng triển khai những biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực; rà soát, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường theo hồ sơ đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời yêu cầu UBND huyện Vạn Ninh báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30-8.
VĂN KỲ - MẠNH HÙNG