09:06, 05/06/2015

Thị xã Ninh Hòa: Tìm kinh phí đầu tư dự án xử lý nước thải

Hiện nay, hiện trạng môi trường khu vực nội thị và sông Dinh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có nguy cơ ô nhiễm cao. Chính quyền địa phương đang tìm nguồn kinh phí để đầu tư dự án xử lý nước thải đô thị. 

Hiện nay, hiện trạng môi trường khu vực nội thị và sông Dinh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có nguy cơ ô nhiễm cao. Chính quyền địa phương đang tìm nguồn kinh phí để đầu tư dự án xử lý nước thải đô thị.  


Theo kết quả quan trắc chất lượng nước mặt từ năm 2011-2014, tại 3 trạm quan trắc trên sông Dinh, có nhiều thông số ô nhiễm thường xuyên có giá trị vượt quy chuẩn. Đáng nói, tại cầu sắt Ninh Hòa mức độ ô nhiễm có xu thế tăng dần qua các năm, đặc biệt tăng mạnh vào năm 2014 với 50% giá trị vượt quy chuẩn. Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa nhìn nhận: “Nước mặt sông Dinh có dấu hiệu ô nhiễm tăng dần từ thượng lưu về phía hạ lưu, mức độ ô nhiễm ở tình trạng báo động, khả năng chịu tải của sông sắp vượt ngưỡng chịu đựng, đặc biệt vào mùa khô. Thời gian qua, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh chung, không xả chất thải xuống sông Dinh nhưng ý thức của một bộ phận dân cư sống 2 bên bờ sông ở thượng nguồn chưa cao”.

 

Bên bờ sông Dinh (Ảnh minh họa).
Bên bờ sông Dinh (Ảnh minh họa).


Ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) phân tích: “Toàn bộ nước thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã chưa được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quốc gia trước khi xả ra môi trường. Các khu dân cư đô thị xả nước thải gây ảnh hưởng trực tiếp nước dưới đất và tác động mạnh đến chất lượng nước mặt của sông Dinh. Nguồn nước thải sinh hoạt được xử lý bằng bể tự hoại chỉ được thực hiện đối với các hộ dân sinh sống tại khu vực thị xã hoặc có điều kiện kinh tế khá trở lên…”. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa cho biết, số lượng hầm/bể tự hoại trong thị xã là 44.741; còn hơn 11.180 hộ chưa có hầm bể tự hoại.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, nước thải từ chợ Dinh và các hộ dân sinh sống ven sông được thải trực tiếp ra sông mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào. Rác thải cũng được đổ ra sông và trôi về phía hạ du, gặp các đập dâng nước bị chặn lại. Sau một thời gian, rác hữu cơ bị phân rã, lắng xuống tạo thành bùn hữu cơ, gây ô nhiễm nguồn nước. Riêng lượng nước thải từ sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã được đầu tư hệ thống xử lý nhỏ lẻ và nước thải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Nhìn chung, tại Ninh Hòa không tập trung nhiều cơ sở chế biến thủy sản, loại hình sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng như các địa phương khác, nhưng tại các khu vực trồng lúa, hoa màu, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học cũng có thể gây ô nhiễm cho đất, nguồn nước…


Bên cạnh đó, vấn đề xử lý chất thải rắn tại Ninh Hòa cũng cần được quan tâm giải quyết để đảm bảo môi trường đô thị. Được biết, năm 2014-2015, Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa chỉ đủ năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho 10/27 xã, phường thuộc thị xã. Hiện tại, bãi rác hợp vệ sinh được đặt tại Hòn Rọ (xã Ninh An) không đáp ứng đủ nhu cầu chôn lấp toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt. Đáng lo ngại, thời gian tới, khi các khu, cụm công nghiệp của thị xã đi vào hoạt động, lượng chất thải rắn công nghiệp sẽ tăng lên nhiều so với hiện tại.


Trước thực trạng trên, ông Bùi Minh Sơn cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị nhóm tư vấn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nghiên cứu, xem xét đúng hiện trạng chất lượng môi trường ở Ninh Hòa đang dần xuống cấp và suy thoái do sự tác động của nước thải (từ các hộ dân) cũng như khó khăn trong việc xử lý chất thải rắn. Sở đề nghị ADB tạo điều kiện cho tỉnh có nguồn kinh phí nâng cao năng lực, cơ sở hạ tầng xử lý chất thải tại thị xã nhằm giảm sức chịu tải của môi trường.


Trong khi đó, theo ông Trần Văn Minh, hiện tại, nguồn kinh phí của địa phương hạn hẹp, không đủ để đầu tư xử lý hệ thống nước thải. Trước mắt, thị xã kiến nghị ADB cho vay vốn để đầu tư thực hiện dự án xử lý nước thải đô thị.


NGUYỄN KIM