Trong quá trình đô thị hóa, các dòng sông trên địa bàn TP. Nha Trang như Quán Trường, Kim Bồng, Bà Vệ ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh lấn sông, xây dựng trái phép, người dân còn xả rác, nước thải trực tiếp xuống lòng sông gây ô nhiễm...
Chuyện buồn về những dòng sông
Chúng tôi còn nhớ, tháng 4-2022, thành phố đã cưỡng chế tháo dỡ các phao, bè nổi nhử vẹm ở khu vực sông Quán Trường. Tuy nhiên, sau khi thành phố giảm dần hoạt động kiểm soát, thời gian gần đây, chúng tôi lại thấy trên khu vực sông Quán Trường xuất hiện dày đặc phao, bè nổi nhử vẹm. Các phao nổi làm bằng nhiều vật liệu như: Xốp, can nhựa, thùng nhựa... thả dày đặc; bè nổi kết cấu bằng khung tre, mỗi khu vực có vài chục ô bè dọc, ngang với diện tích mặt nước bị bao chiếm lên đến hàng trăm mét vuông để thả, nhử vẹm. Thời điểm thủy triều rút, lòng sông Quán Trường lộ ra đầy bè gỗ và cọc nhử phủ kín lòng sông.
Chúng tôi men theo các con đường nhỏ đi dọc bờ sông Quán Trường. Con sông có chiều dài khoảng 15km, chảy qua địa phận các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái, Phước Đồng và 3 phường: Phước Long, Phước Hải, Vĩnh Trường rồi đổ ra Cửa Bé. Dọc bờ sông, ngoài các bãi rác tự phát, còn có các họng cống xả thải trực tiếp ra sông từ những nhà hàng, quán nhậu, khu đô thị... lộ ra khi thủy triều xuống. Chính vì thế, nhiều thời điểm trong ngày, nước sông có màu đen, bốc mùi hôi thối xộc thẳng vào các khu dân cư lân cận.
Lực lượng chức năng xã Vĩnh Thái tháo dỡ phao, bè nổi trên sông Quán Trường. |
Hai bên bờ sông Bà Vệ (chảy qua phường Ngọc Hiệp) và sông Kim Bồng (chảy qua các phường: Ngọc Hiệp, Phương Sơn, Phương Sài, Vạn Thắng) cũng chung tình trạng ô nhiễm, tù đọng. Một đầu sông Bà Vệ phía thượng nguồn đã bị chắn ngang dòng chảy. Do đó, lượng nước hiện nay ở 2 dòng sông phụ thuộc vào thủy triều dâng lên các thời điểm trong ngày. Sau khi thủy triều xuống, rác thải bị mắc kẹt lại ở các cây bèo, dừa nước, cỏ dại… dày đặc trên dòng sông.
Ông Lê Công Đạt (người dân ở đường Cầu Bè, thôn Phú Vinh 1, xã Vĩnh Thạnh) cho biết, ông có kinh doanh nhà hàng ở khu vực sông Cầu Bè. Gần 1 tháng nay, nước sông Cầu Bè đổi sang màu đen, có khi có váng màu hồng, đỏ như bị xả chất thải khiến cá chết; nước sông bị ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên cả ngày, đặc biệt là buổi trưa nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Có những thời điểm nhà hàng không có khách hoặc khách đến cũng bỏ đi vì mùi hôi bốc lên nồng nặc từ dòng sông. Còn ông Nguyễn Vạn Xuân (người dân sống khu vực đường Hà Thanh, phường Vạn Thắng) cho biết, người dân nơi đây bức xúc vì một số người thiếu ý thức đã vứt rác, xả thải, thậm chí còn phóng uế trực tiếp xuống sông Kim Bồng...
Cần xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm
Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi nhận thấy, tình trạng nêu trên phần lớn là do ý thức của người dân còn kém. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa phát hiện kịp thời, xử lý triệt để các vi phạm. Có thể kể đến năm 2017, ở khu vực phường Vĩnh Trường, có tình trạng đổ đất, cát, xà bần lấn sông Quán Trường. Thời điểm đó, do địa phương phát hiện chậm và xử lý không quyết liệt nên đã phát sinh 19 trường hợp đổ đất lấn sông để dựng nhà ở với diện tích từ 21 đến 300m2 và hình thành khu dân cư tự phát, gây cản trở dòng chảy, hạn chế khả năng thoát lũ trên sông Quán Trường. Đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương đã vận động được vài hộ tự tháo dỡ và vẫn đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để xử lý dứt điểm. Hay vừa qua, Phòng Quản lý đô thị thành phố phát hiện tại hẻm 18, Hương lộ Ngọc Hiệp (phường Ngọc Hiệp) có tình trạng đổ xà bần lấn chiếm sông Kim Bồng. Đối với những khu vực thả, nhử vẹm trái phép trên sông Tắc và sông Quán Trường, thời gian qua, các địa phương đã tổ chức tháo dỡ các bè, phao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Nhật Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, sau khi xử lý, một số người dân lợi dụng thủy triều xuống, vào ban đêm tiếp tục đóng cọc, trồng trụ tre, giăng dây, phao… tái lấn chiếm mặt nước để thả nhử vẹm. Do số lượng phao nổi, bè nổi trái phép lấn chiếm lòng sông để nhử vẹm nhiều, trong khi nhân lực, phương tiện của địa phương còn hạn chế và người dân không hợp tác nên việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Người dân thả phao, bè nổi trên sông Quán Trường để nhử vẹm. (Ảnh chụp ngày 9-11) |
Ông Lưu Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, đối với hành vi tái lấn chiếm mặt nước để đặt các phao nổi thả nhử vẹm trên sông Quán Trường, mới đây, thành phố giao UBND các xã, phường: Phước Hải, Phước Long, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng người dân lấn chiếm mặt nước để nhử vẹm gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông đường thủy nội địa; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những đối tượng cố tình tái lấn chiếm mặt nước để thả nhử vẹm. Các xã, phường kiểm tra thực địa, vào thời điểm nước thủy triều xuống thấp thì tổ chức tháo dỡ, thu dọn các vật liệu mà người dân đã đóng, thả xuống lòng sông để làm giàn thả nhử vẹm nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, khơi thông dòng chảy thoát lũ. Các địa phương thường xuyên kiểm tra, phối hợp các đơn vị liên quan xác định ranh giới hành chính để tổ chức xử lý dứt điểm tình trạng người dân thả nhử vẹm trên sông Quán Trường thuộc địa bàn quản lý.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết - Chủ tịch UBND phường Vạn Thắng cho biết, thời gian tới, phường sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra khu vực sông Kim Bồng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi xả thải ra môi trường.
Sẽ nạo vét khơi thông dòng chảy
Ông Nguyễn Ngọc Chinh - Chủ tịch UBND phường Ngọc Hiệp cho biết, với hơn 400 hộ dân sinh sống dọc sông Kim Bồng, sông Bà Vệ, tình trạng ô nhiễm đang trực tiếp ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Thời gian qua, địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố để tiến hành thu gom rác, bèo, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích lòng sông nhỏ hẹp, xen lẫn trong khu dân cư; lượng bùn bồi lắng lớn, cây dại nhiều nên không thể thực hiện thủ công mà cần máy móc hiện đại hơn để nạo vét.
Lực lượng chức năng xã Vĩnh Thái tháo dỡ phao, bè nổi trên sông Quán Trường. |
Để đảm bảo thoát nước, giúp giảm thiểu tình trạng ngập nước, tù đọng gây ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị ở sông Bà Vệ và sông Kim Bồng, ông Lê Đại Dương - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã giao Ban Quản lý Dịch vụ công ích chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang và UBND các phường: Ngọc Hiệp, Phương Sài, Phương Sơn khẩn trương khảo sát, tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải phát sinh tại 2 con sông này. Về lâu dài, thành phố sẽ đẩy nhanh hoàn thiện Dự án Khơi thông dòng chảy sông Kim Bồng, Bà Vệ và các vị trí tiếp giáp. Phòng Kinh tế thành phố đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Ban Quản lý Dịch vụ công ích thành phố về việc triển khai nạo vét những điểm xung yếu, tắc nghẽn của các sông: Quán Trường, Kim Bồng, Bà Vệ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và thoát nước trong mùa mưa sắp tới.
Sông Bà Vệ chảy qua phường Ngọc Hiệp có màu đen đục, bốc mùi hôi thối. |
Cùng với đó, UBND thành phố giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát toàn tuyến sông Kim Bồng, sông Bà Vệ, đối chiếu quy hoạch, trên cơ sở đó đề xuất phương án xây dựng kè và nạo vét, khơi thông dòng chảy góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, tham mưu báo cáo UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư; tiếp tục tham mưu kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư các dự án thoát lũ, chống ngập. UBND các phường: Ngọc Hiệp, Phương Sơn và Phương Sài khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh mương thoát nước để xây dựng trái phép; xử lý những trường hợp đổ chất thải, hành vi tự lắp đặt các đường ống xả nước thải từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt trực tiếp ra sông, kênh mương thoát nước gây ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân dọc hai bên bờ sông không đổ xà bần, rác, nước thải; lấn chiếm sông để xây dựng trái phép. UBND các xã, phường chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, trật tự xây dựng trên địa bàn.
THÁI THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin