Hiện nay, tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn thấp. Để đạt mục tiêu huy động trẻ mầm non đến trường giai đoạn 2022 - 2025 theo kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn thấp. Để đạt mục tiêu huy động trẻ mầm non đến trường giai đoạn 2022 - 2025 theo kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Những khó khăn
Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, năm học 2022 - 2023, tỷ lệ trẻ ra lớp trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 53,9%. Trong đó, trẻ đi nhà trẻ đạt 28,5%, mẫu giáo 84,7% (riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,15%). Nguyên nhân là do thiếu đội ngũ giáo viên mầm non và điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế. Trong khi đó, Đề án tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện để huy động trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi đến trường giai đoạn 2017 - 2020 của tỉnh chưa thực hiện được vì thiếu nguồn vốn. Tại các thành phố, khu đông dân cư, do diện tích đất chật hẹp nên không thể cơi nới, xây dựng thêm trường lớp, phòng học, dẫn đến quá tải ở một số trường mầm non khu vực trung tâm. Tuy một số trường được xây mới thêm phòng nhưng không có biên chế giáo viên nên không thể tổ chức lớp. Bên cạnh đó, còn nhiều trường thiếu phòng phục vụ học tập và các phòng khác theo quy định, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non.
Hiện nay, toàn tỉnh có 206 trường mầm non, trong đó chỉ có 64 trường có phòng giáo dục thể chất, 97 trường có phòng giáo dục nghệ thuật, 85 trường có phòng đa năng, 160 trường có nhà bếp, 25 trường có phòng y tế. Do đó, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT tham mưu UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch tăng cường các điều kiện bảo đảm huy động trẻ mầm non đến trường. Đồng thời, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2022 và đề xuất các giải pháp phù hợp để triển khai trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Cam Ranh cho biết, hiện nay, thành phố có 19 trường mầm non, trong đó có 18 trường công lập và 1 trường tư thục, 38 nhóm, lớp độc lập tư thục. Tỷ lệ trẻ ra lớp ở độ tuổi nhà trẻ đạt 28%; trẻ mẫu giáo đạt 76,4%. So với nhu cầu phát triển giáo dục mầm non, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp. Hiện nay, vẫn còn một số trường chưa có phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng đa năng…
Phấn đấu tăng tỷ lệ trẻ ra lớp
Theo kế hoạch tăng cường các điều kiện bảo đảm huy động trẻ mầm non đến trường giai đoạn 2022 - 2025 của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh huy động được 35% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường (trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,6%). Đồng thời, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo (3, 4, 5 tuổi) vào năm 2030. Để đạt mục tiêu đó, các địa phương cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây thêm trường, phòng học; xác định nhu cầu giáo viên mầm non còn thiếu để xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bổ sung.
Theo bà Phạm Thị Châu Anh - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang, hiện nay, thành phố có 75 trường mầm non, trong đó có 40 trường công lập và 35 trường tư thục, 186 nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã đầu tư nâng cấp, xây mới điểm trường, phòng học ở các trường mầm non, như: Vạn Thạnh, Ngọc Hiệp, Vĩnh Trung, Hương Sen, Hoa Hồng, Phước Long, Vĩnh Lương, Vĩnh Nguyên 1... Riêng năm học 2022 - 2023, UBND TP. Nha Trang đầu tư kinh phí gần 22 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho bậc học mầm non. Bên cạnh đó, những năm gần đây, mô hình trường mầm non ngoài công lập, trường chất lượng cao cũng phát triển nhanh. Có thể kể đến các trường mầm non: Họa Mi (Khu đô thị VCN Phước Hải); Canada-Maple-Bea VCN (Khu đô thị Phước Long); Thế giới VCN (Khu đô thị An Bình Tân); Clever Kid (phường Phước Tân)… Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ lên 32,4%, mẫu giáo 88% (trẻ 5 tuổi đạt 97,5%). Chủ trương của thành phố đối với giáo dục mầm non là tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tín dụng, thuế và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phục vụ nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ ở các khu đô thị, nơi tập trung đông dân cư. Thành phố khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện nhằm giảm áp lực huy động trẻ ra lớp tại các trường mầm non công lập; tiếp tục khuyến khích xã hội hóa đối với các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và phát triển trường mầm non chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Du cho biết, vừa qua, UBND TP. Cam Ranh đã ban hành Kế hoạch tăng cường các điều kiện bảo đảm huy động trẻ mầm non đến trường giai đoạn 2022 - 2025, trong đó quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho bậc học mầm non. Thành phố đang đầu tư xây mới các phòng học cho Trường Mầm non Cam Thuận và Trường Mầm non Cam Lợi. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục xây thêm Trường Mầm non Ba Ngòi và Trường Mầm non Cam Nghĩa, góp phần từng bước bảo đảm tỷ lệ huy động trẻ ra lớp theo kế hoạch.
Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 206 trường mầm non, trong đó có 161 trường công lập và 45 trường tư thục, 363 nhóm, lớp độc lập tư thục. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 6.658 người. Tổng số phòng học là 2.524 phòng, với 2.459 nhóm, lớp. Có 89/161 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia (đạt 55,3%), trong đó có 81 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 8 trường đạt chuẩn mức độ 2. |
H.NGÂN