10:08, 11/08/2022

Định hướng học sinh sử dụng Internet

Giáo dục, định hướng cho học sinh sử dụng Internet hiệu quả, lành mạnh để phục vụ việc học tập, các hoạt động trong đời sống là vấn đề được quan tâm, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội như hiện nay. 
 

Giáo dục, định hướng cho học sinh (HS) sử dụng Internet hiệu quả, lành mạnh để phục vụ việc học tập, các hoạt động trong đời sống là vấn đề được quan tâm, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội như hiện nay. 
 
Thận trọng với môi trường mạng
 
Chưa bao giờ việc tìm kiếm thông tin lại dễ dàng như hiện nay, khi chỉ cần một cú nhấp chuột trên Internet là hàng trăm, hàng ngàn kết quả hiển thị chỉ sau vài giây. Đối với HS, đây là nguồn tài nguyên số phong phú, hữu ích phục vụ cho việc học tập, tra cứu tài liệu, nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, mặt trái của nó là những nguy hại tiềm ẩn núp bóng các diễn đàn, trang mạng, nhóm kín… vô thưởng vô phạt hoặc lập ra với mục đích xấu, đăng tải, tuyên truyền những thông tin không chính thống, sai lệch... 
 
 
Chương trình ngoại khóa “Kỹ năng sử dụng Internet và mạng xã hội an toàn” tại Trường THCS Võ Thị Sáu (Nha Trang).
Chương trình ngoại khóa “Kỹ năng sử dụng Internet và mạng xã hội an toàn” tại Trường THCS Võ Thị Sáu (Nha Trang).
 
Em Nguyễn Hà Phương - HS Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Nha Trang) chia sẻ: “Em thường sử dụng Internet để bổ sung kiến thức cho mình, tìm các đề luyện thi để ôn tập, tìm hiểu thông tin về các ngành nghề. Thỉnh thoảng, em có đăng một số câu hỏi lên các diễn đàn để nhờ các anh, chị giải đáp. Mạng xã hội cũng giúp em giải trí sau những giờ học, thi cử căng thẳng, trò chuyện, liên lạc với bạn bè. Tuy nhiên, qua tham gia các hội, nhóm trên mạng, em thấy có không ít thông tin tiêu cực, không đúng sự thật, một số tài khoản lan truyền thông tin không kiểm chứng, câu like… nhưng lại được nhiều người hưởng ứng, chia sẻ tràn lan. Một số bạn dường như bị cuốn vào thế giới ảo, ít giao tiếp ở ngoài với bạn bè, hùa theo trào lưu, theo đám đông, tố thầy, tố bạn, tẩy chay nhau…”. 
 
Một phụ huynh có con học tại một trường THCS ở Nha Trang cho biết: “Trong thời gian HS phải học trực tuyến do dịch Covid-19, vợ chồng tôi bận đi làm nên gần như giao hẳn điện thoại cho con để phục vụ việc học. Nhưng vì không kiểm soát kỹ nên con sa đà vào một số trang mạng không tốt, học hành mất tập trung, có biểu hiện nghiện Internet. Sau đó, tôi phải kiểm soát điện thoại, máy tính của con thường xuyên hơn; đồng thời hướng con dành thời gian cho các hoạt động thể chất, kỹ năng sống”. 
 
Cần có sự định hướng 
 
Theo ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, mạng là ảo nhưng ảnh hưởng là thật, tích cực có và tiêu cực cũng có. Ở độ tuổi HS, các em rất dễ bị ảnh hưởng xấu bởi những tác động bên ngoài. Do đó, việc giáo dục, định hướng cho HS sử dụng Internet hiệu quả, lành mạnh để phục vụ học tập, cuộc sống là vấn đề cần thiết. Sở đã có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với HS, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025”. Trong đó, sở yêu cầu các trường tăng cường tuyên truyền những nội dung thiết thực như: Tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ quyền biên giới, hải đảo; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; văn hóa ứng xử trong trường học và văn hóa ứng xử trên môi trường mạng; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường; hoạt động đoàn, đội; đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động, thù địch, góp phần bảo vệ chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... 
 
Bên cạnh đó, các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học, gương người tốt, việc tốt trong ngành Giáo dục và các lĩnh vực của đời sống xã hội; khuyến khích HS tham gia, tương tác, theo dõi các diễn đàn, trang thông tin, nhóm trên mạng xã hội do các trường quản lý. Đồng thời, kết nối thông tin tuyên truyền, giáo dục giữa trang thông tin của nhà trường với các trang thông tin của sở, đoàn thanh niên… và các nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội có đông đảo HS tham gia. Các trường cũng cần xây dựng, phát triển và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cộng tác viên làm nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng của HS; kịp thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và thông tin kịp thời về sở khi phát hiện trường hợp cung cấp, đăng tải, chia sẻ thông tin xấu, độc hại, sai sự thật hoặc chưa kiểm chứng gây ảnh hưởng tiêu cực. Mặt khác, cần tăng cường gắn kết giữa nhà trường - gia đình - xã hội để đồng hành, theo sát HS, giúp các em cân bằng thời gian giữa việc học, hoạt động thể chất và sử dụng Internet.
 
H.NGÂN