Theo lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT, từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 sẽ học chương trình, sách giáo khoa mới. Thời điểm năm học mới đã gần kề, song các trường vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn.
Theo lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT, từ năm học 2022 - 2023, học sinh (HS) lớp 10 sẽ học chương trình, sách giáo khoa mới. Thời điểm năm học mới đã gần kề, song các trường vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn.
Thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THPT được xây dựng trước đây có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài ra, HS chọn 5 môn học từ 3 nhóm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Bên cạnh đó, còn có các chuyên đề học tập nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, đáp ứng định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành ngày 11-7, Lịch sử trở thành môn bắt buộc thay vì môn lựa chọn như trước.
Cùng với chương trình mới, sách giáo khoa lớp 10 năm học tới cũng được thay mới hoàn toàn, với nhiều bộ từ các nhà xuất bản khác nhau, thay vì 1 bộ như trước. UBND tỉnh đã phê duyệt 46 đầu sách cho 16 môn học đối với lớp 10, thuộc 3 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều.
Gặp không ít khó khăn
Theo ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT, thuận lợi khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 là hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục không mới, các trường đều đã có sẵn đội ngũ giáo viên giảng dạy, trừ môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Chương trình đã được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã được tập huấn các mô-đun do Bộ GD-ĐT tổ chức nên đều nắm được định hướng dạy học. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình mới cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có việc xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu của HS, vừa phải căn cứ vào đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, bởi nếu để lựa chọn tự do thì các tổ hợp rất đa dạng. Bên cạnh đó, Âm nhạc và Mỹ thuật là 2 môn lựa chọn hoàn toàn mới ở cấp THPT, trong khi tất cả các trường THPT công lập đều không có đội ngũ giáo viên này, chưa kể phòng, nhạc cụ thực hành cũng chưa đáp ứng. Ngoài ra, môn Lịch sử mới được quy định là môn học bắt buộc cũng ảnh hưởng đến việc các trường phải xây dựng lại tổ hợp môn theo hướng dẫn cũ, trong khi đó Bộ GD-ĐT chưa có văn bản chính thức về việc này…
Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các trường rà soát, xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập đối với lớp 10 phù hợp, đảm bảo sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có. Riêng đối với môn Âm nhạc và Mỹ thuật, trong điều kiện hiện có chưa đáp ứng được, nhà trường vẫn phải xây dựng tổ hợp môn lựa chọn có các môn này trên cơ sở nhu cầu của học sinh, phụ huynh học sinh và báo cáo sở. Sở sẽ xây dựng phương án theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để đáp ứng việc tổ chức giảng dạy 2 môn này trên cơ sở đề xuất, báo cáo của các trường. Hiện tại, sở đã nắm được số giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa, giáo viên cấp THCS có trình độ đại học để khi các trường có nhu cầu dạy học môn Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ hướng dẫn cụ thể.
Đối với môn Lịch sử được chuyển từ môn tự chọn sang môn bắt buộc, trong khi chờ hướng dẫn chính thức của bộ, Sở GD-ĐT đã căn cứ trả lời của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học trên báo chí để hướng dẫn các trường. Theo đó, đối với lớp nào chọn môn Lịch sử trong tổ hợp thì giữ nguyên cách chọn, nhưng sẽ chỉ dạy 52 tiết (kế hoạch cũ là 70 tiết). Với những lớp ban đầu không chọn môn Lịch sử trong tổ hợp thì bỏ bớt 1 môn tự chọn bất kỳ để còn 4 môn lựa chọn và 8 môn, hoạt động giáo dục bắt buộc (đã có môn Lịch sử). Sau khi Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn, Sở GD-ĐT sẽ kịp thời hướng dẫn các trường.
Cần cân nhắc kỹ khi chọn tổ hợp môn
Theo ghi nhận của phóng viên, một số HS đã sớm có định hướng nghề nghiệp nên quyết định lựa chọn tổ hợp môn khá nhanh. Tuy nhiên, đa số HS vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng. Tại buổi tư vấn chọn tổ hợp môn học ngày 24-7, em Đinh Quyết Minh (Trường THPT Lý Tự Trọng, TP. Nha Trang) đã chọn ngay nguyện vọng 1 cho tổ hợp có môn Toán, Hóa học, Sinh học vì xác định sẽ theo ngành y. Một HS khác (giấu tên) cùng trường thì chưa xác định được sẽ chọn tổ hợp nào vì “em có sở thích âm nhạc, nhưng tổ hợp có môn Âm nhạc lại có môn Hóa học mà không có môn Vật lý như em mong muốn, tổ hợp có môn Vật lý thì lại không có môn Âm nhạc”.
Thầy Trương Minh Trình - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng cho biết, trường có 664 HS trúng tuyển vào lớp 10 năm học tới, chia thành 15 lớp. Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình mới rất khó khăn. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là cho HS đăng ký các môn tự chọn theo sở thích, sở trường, nhưng nhà trường phải nghiên cứu dựa trên điều kiện của trường để định hướng. Trường phải cân đối số tiết căn cứ trên nguồn lực giáo viên, phân bổ hợp lý để tất cả giáo viên đều có lớp dạy. Nhà trường đã lưu ý HS cẩn trọng khi đăng ký tổ hợp, phải đặt năng lực, sở trường lên hàng đầu. Mới đây, trường đã xây dựng 6 tổ hợp môn với các nhóm môn lựa chọn và cụm chuyên đề học tập, triển khai cho HS đăng ký 2 nguyện vọng. Trường hợp nguyện vọng 1 ở tổ hợp môn có HS đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu, HS sẽ được chuyển sang nguyện vọng 2, đồng thời căn cứ vào điểm thi tuyển sinh lớp 10 để sắp xếp lớp. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật hiện nay không có đội ngũ giáo viên để dạy, nhưng nhà trường vẫn xây dựng 2 tổ hợp có 2 môn này để HS lựa chọn theo hướng dẫn của bộ và báo cáo Sở GD-ĐT. Lứa HS lớp 10 năm tới chưa biết hình thức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ như thế nào. Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT thì sẽ đổi mới hoàn toàn hình thức thi.
Thầy Huỳnh Vĩnh Khang - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang) cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường tuyển sinh 677 HS khối 10 của 15 lớp, bình quân hơn 45 HS/lớp. Năm học này có rất nhiều điểm mới so với trước, nên nhà trường đã tổ chức một buổi gặp mặt phụ huynh và HS khối 10 để phổ biến những vấn đề cần lưu ý. Nhà trường đã lên kế hoạch triển khai chương trình mới từ rất sớm, xây dựng các tổ hợp môn. Tuy nhiên, khi môn Lịch sử được đưa vào danh sách các môn học bắt buộc thì các trường THPT đều bị động và phải xây dựng lại các tổ hợp môn. Về nguyên tắc, trong 3 năm THPT, HS có thể thay đổi tổ hợp môn học nếu thấy không phù hợp. Song thực tế điều này không khả thi vì nếu HS có nhu cầu thay đổi thì phải được học các môn của tổ hợp môn dự định chuyển sang. HS học như thế nào, vào thời gian nào, nhà trường không thể bố trí thời gian, giáo viên và cả việc thanh toán kinh phí dạy ngoài giờ. Do đó, nhà trường đã lưu ý HS cân nhắc thật kỹ khi chọn tổ hợp môn, đăng ký tổ hợp nào thì phải học xuyên suốt trong 3 năm học. Một khó khăn nữa là trong chương trình mới, Bộ GD-ĐT quy định đối với Giáo dục thể chất, nhà trường chọn 1 môn trong 4 môn để tổ chức giảng dạy: Bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, cầu lông. Tuy nhiên, điều này rất khó và không phù hợp, vì cơ sở vật chất của trường còn hạn chế và mỗi HS có một sở trường riêng. Do đó, trường sẽ xin ý kiến Sở GD-ĐT cho phép dạy cả 4 môn nhằm đáp ứng với cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hiện tại, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của HS.
H.NGÂN