10:02, 21/02/2022

Biên soạn tài liệu đa dạng sinh học Khánh Hòa

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa nghiệm thu đề tài "Tổng hợp tư liệu khoa học về đa dạng sinh học tỉnh Khánh Hòa phục vụ biên soạn tài liệu giáo dục địa phương trong trường phổ thông". Đề tài nhằm phổ biến kiến thức về đa dạng sinh học cho học sinh, góp phần lan tỏa công tác bảo tồn, phát triển hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa nghiệm thu đề tài “Tổng hợp tư liệu khoa học về đa dạng sinh học tỉnh Khánh Hòa phục vụ biên soạn tài liệu GD địa phương trong trường phổ thông”. Đề tài nhằm phổ biến kiến thức về đa dạng sinh học cho học sinh (HS), góp phần lan tỏa công tác bảo tồn, phát triển hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn tỉnh.


Phục vụ cho việc biên soạn tài liệu giảng dạy


Tổng hợp tư liệu khoa học, trong đó có đa dạng sinh học của tỉnh là nội dung quan trọng, làm cơ sở cho việc biên soạn, giới thiệu, phổ biến tài liệu GD địa phương đến HS. Đây là tài liệu đáp ứng yêu cầu của Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông được triển khai từ tháng 12-2018 do Bộ GD-ĐT ban hành. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT đã xây dựng đề tài cấp cơ sở: “Tổng hợp tư liệu khoa học về đa dạng sinh học tỉnh Khánh Hòa phục vụ biên soạn tài liệu GD địa phương trong trường phổ thông” do Thạc sĩ Đặng Ngọc Lệ Thy - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT và cộng sự thực hiện. Đề tài thực hiện trong 2 năm 2020 - 2021 hướng tới việc triển khai, ứng dụng cụ thể từng nội dung cho các khối lớp phục vụ chương trình GD phổ thông trên địa bàn tỉnh.

 

Khảo sát tại rừng Hòn Hèo, thị xã Ninh Hòa.
Khảo sát tại rừng Hòn Bà


Trên cơ sở nguồn tư liệu về đa dạng sinh học đã được các nhà khoa học nghiên cứu trước đây, nhóm thực hiện đề tài kết hợp khảo sát thực tế một số khu vực như: Hòn Bà (huyện Cam Lâm), Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh), Bình Ba (TP. Cam Ranh), Đầm Môn (huyện Vạn Ninh), Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa), Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) để chụp hình, quay video, xây dựng bộ tư liệu; phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà để thu lấy các mẫu vật về lá, hoa, quả, hạt của cây ở rừng Hòn Bà. Đồng thời, tổ chức 2 hội thảo để lấy ý kiến GV, chuyên gia về phân phối chương trình GD địa phương, hoạt động GD theo định hướng đa dạng sinh học tỉnh Khánh Hòa.


Nhóm đã nghiên cứu, biên soạn tư liệu thành 9 chuyên đề, gồm: Tổng quan các điều kiện tự nhiên tỉnh Khánh Hòa; đặc điểm, vai trò về sự đa dạng sinh học tỉnh; đặc trưng đa dạng sinh học rừng của tỉnh; đặc trưng đa dạng sinh học biển của tỉnh; thực vật, động vật biển có ích ở tỉnh; một số loài thực vật, động vật biển có độc tố ở tỉnh; thực trạng về quản lý đa dạng sinh học Khánh Hòa; bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học tỉnh; cây di sản Việt Nam tại tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, nhóm còn xây dựng bộ học cụ (mẫu vật, video, hình ảnh…) nhằm chuyển tải kiến thức đến HS.


Theo Thạc sĩ Đặng Ngọc Lệ Thy, đề tài được xếp loại xuất sắc (năm 2021). Đây là lần đầu tiên các tư liệu về đặc trưng đa dạng sinh học rừng, biển ở Khánh Hòa được tổng hợp, biên soạn dưới dạng kênh chữ, hình ảnh, mẫu vật và video clip để phục vụ việc biên soạn tài liệu giảng dạy địa phương ở các cấp học trên địa bàn tỉnh. Các dữ liệu được tổng hợp, chắt lọc, sắp xếp khoa học, phù hợp với đội ngũ GV và HS ở trường phổ thông. Ngoài ra, kết quả của đề tài là tư liệu tốt, giúp biên soạn thuận lợi tài liệu GD địa phương về: Đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, sinh thái học nhân văn…; giúp đội ngũ GV, HS có nguồn tư liệu tra cứu, cập nhật khoa học và nhanh gọn theo nhu cầu.


Đưa vào chương trình giáo dục địa phương


Sau khi nghiệm thu, đề tài được lãnh đạo sở phê duyệt, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, GV, HS để dạy và học theo Chương trình GD phổ thông 2018. Cô Phạm Thị Nguyên Khánh - GV môn Sinh học, Trường THCS Võ Văn Ký (TP. Nha Trang) cho biết, sau khi sở có quyết định công nhận và phổ biến đề tài, trường đã đưa tài liệu vào giảng dạy khối 6, sau đó là các khối 7, 8, 9. Qua giảng dạy, HS rất thích thú, phát biểu sôi nổi với những kiến thức mới, lạ nhưng gần gũi; GV thấy bổ ích với tư liệu mới, bài giảng hấp dẫn hơn, không còn khô khan như nhiều tài liệu trước đây. Nhà trường có kế hoạch giảng dạy ngoại khóa vào tháng 3, 4-2022, đưa HS tham quan, trải nghiệm…


Thầy Nguyễn Phát - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Diên Khánh) cho biết, đây là tư liệu bổ ích, có giá trị, nhà trường đã đưa vào giảng dạy trong chương trình GD địa phương. GV các bộ môn Sinh học, Địa lý đã lồng ghép vào chương trình giảng dạy; HS quan tâm đến các tiết dạy về đa dạng sinh học. Nhà trường khuyến khích, nâng cao nhận thức của cán bộ, GV, HS về các hoạt động sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh...


V.L