Đề tài "Chế tạo hệ thống lái điều khiển điện tử phục vụ đào tạo" do Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuần (bộ môn Kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Nha Trang) thực hiện vừa được nghiệm thu xếp loại đạt. Đề tài góp phần trang bị kỹ năng thực hành và nghiên cứu khoa học cho sinh viên trong điều kiện còn nhiều hạn chế về thiết bị phục vụ giáo dục đào tạo.
Đề tài “Chế tạo hệ thống lái điều khiển điện tử phục vụ đào tạo” do Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuần (bộ môn Kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Nha Trang) thực hiện vừa được nghiệm thu xếp loại đạt. Đề tài góp phần trang bị kỹ năng thực hành và nghiên cứu khoa học cho sinh viên trong điều kiện còn nhiều hạn chế về thiết bị phục vụ giáo dục đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuần cho biết, những năm gần đây, số lượng sinh viên theo học ngành ô tô tại Trường Đại học Nha Trang ngày một tăng. Sinh viên khi ra trường đều có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Nhà trường luôn định hướng đào tạo theo hướng ứng dụng, trang bị cho sinh viên những kiến thức thực tế. Công nghệ áp dụng trên ô tô cũng phát triển rất mạnh theo hướng điện - điện tử. Điều này đòi hỏi trang thiết bị phục vụ đào tạo của nhà trường cần được cập nhật thường xuyên. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã đề xuất đề tài “Chế tạo hệ thống lái điều khiển điện tử phục vụ đào tạo”.
Mô hình hệ thống lái điều khiển điện tử sau khi hoàn thành được đưa vào giảng dạy trong các học phần: Kết cấu và tính toán ô tô; thực tập khung gầm ô tô, thực tập điện ô tô và điều khiển tự động ô tô. Kết quả nghiên cứu cũng được đăng trên tạp chí chuyên ngành uy tín. Đây là nguồn tài liệu tham khảo, tra cứu có giá trị khi chế tạo thiết bị thực tập chuyên ngành ô tô trong nước. |
Để mô hình sát với thực tế, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn thiết bị, cụm thiết bị của hệ thống lái điều khiển điện tử như: hộp điều khiển (ECU - EPS), cụm trợ lực lái điện, cơ cấu lái… của hãng Toyota, Nhật Bản. Các thiết bị phụ trợ khác cũng được lựa chọn như trên ô tô thật (bánh xe, hệ thống treo…). Để tránh làm đi làm lại nhiều lần, nhóm đã sử dụng phần mềm Solidwork thiết kế 3D cho khung mô hình. Mô hình được thiết kế theo kích thước thật với các thiết bị đã chọn. Với cách làm này, khung mô hình sau khi hoàn thành không tốn thời gian hiệu chỉnh.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Vũ - Trưởng Khoa Kỹ thuật Giao thông Trường Đại học Nha Trang, đề tài có thể phát triển ở cấp cao hơn. Qua đó, mở rộng thêm các nội dung nghiên cứu khác như kết nối chẩn đoán lỗi hệ thống điện - điện tử nhằm đưa ra các cảnh báo an toàn cho hệ thống lái điện tử trên ô tô. Đề tài hoàn thành góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành Kỹ thuật ô tô, giúp sinh viên có thể tiếp cận với các hệ thống lái hiện đại trên ô tô. Việc tự thiết kế, lựa chọn và lắp đặt tuân thủ đúng kỹ thuật của mô hình đào tạo ngành ô tô (100% thiết bị của hãng ô tô uy tín). Mô hình có thể thực hiện được đầy đủ các tính năng của hệ thống lái điện tử. Bên cạnh đó, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị cho nhà trường (kinh phí đề tài 55 triệu đồng; nếu mua trên thị trường 115 -150 triệu đồng). Sau khi hoàn thành mô hình lái điều khiển điện tử đã được chuyển giao cho Phòng Thực hành điện - điện tử ô tô của nhà trường để đưa vào giảng dạy trong năm học 2021 - 2022.
V.L