11:04, 15/04/2020

Cần phối hợp quản lý dạy thêm, học thêm

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định số 09 bãi bỏ Quyết định số 14 ngày 8-8-2013 ban hành quy định một số nội dung về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Quyết định số 09 có hiệu lực kể từ ngày 15-4. 

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định số 09 bãi bỏ Quyết định số 14 ngày 8-8-2013 ban hành quy định một số nội dung về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Quyết định số 09 có hiệu lực kể từ ngày 15-4. 

 
Không thuộc dạng kinh doanh có điều kiện


Theo Thông tư 17 quy định về dạy thêm và học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ năm 2012, việc dạy thêm và học thêm được xem như một ngành kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, căn cứ Luật Đầu tư năm 2014, Bộ GD-ĐT cũng như UBND không có thẩm quyền ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Đối với các quy định đã ban hành trước khi có Luật Đầu tư năm 2014, đã hết hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016. Do đó, ngày 26-8-2019, Bộ GD-ĐT có Quyết định 2499 công bố hết hiệu lực các điều kiện dạy thêm, học thêm của Thông tư 17.

 

Một lớp học thêm. Ảnh tư liệu.

Một lớp học thêm. Ảnh tư liệu.


Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, năm 2013, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14 quy định một số nội dung về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, thực hiện Luật Đầu tư năm 2014 cũng như khi Bộ GD-ĐT bãi bỏ các quy định về điều kiện này, sở đã rà soát Quyết định số 14 để tham mưu UBND xử lý cho phù hợp. Theo đó, một số quy định về điều kiện tổ chức dạy thêm, học thêm; thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm không còn phù hợp với các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh của Luật Đầu tư năm 2014 nên phải bãi bỏ. Các quy định về thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm là các nội dung quy định chung, dẫn chiếu các nội dung các văn bản đã có (Thông tư 17 năm 2012 của Bộ GD-ĐT; các văn bản về thuế, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, Luật công chức, viên chức…) nên không cần thiết đưa vào văn bản quy phạm pháp luật.


Bên cạnh đó, các nội dung quy định trách nhiệm của giám đốc Sở GD-ĐT, UBND huyện, thị xã, thành phố, phòng GD-ĐT, UBND xã, phường, thị trấn là sự phân công, chỉ đạo của UBND tỉnh đối với cơ quan quản lý nhà nước, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã có để tăng cường hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm nên không có tính quy phạm… Trên cơ sở tham mưu của Sở GD-ĐT, ý kiến của các sở, ngành, địa phương và việc thẩm định của Sở Tư pháp, ngày 30-3, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09 bãi bỏ Quyết định số 14 ngày 8-8-2013 ban hành quy định một số nội dung về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh (có hiệu lực từ ngày 15-4).


Phối hợp để quản lý


Ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên Sở GD-ĐT cho biết, sau khi Quyết định số 14 được bãi bỏ, đối với việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, các phòng GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc sở vẫn thực hiện theo Thông tư 17 năm 2012 của Bộ GD-ĐT (trừ các điều đã công bố hết hiệu lực của Quyết định 2499); hiệu trưởng chịu trách nhiệm về việc tổ chức hoạt động này trong nhà trường. Các trường THPT tổ chức dạy thêm, học thêm không phải đăng ký với sở, trường THCS tổ chức dạy thêm, học thêm không phải đăng ký với phòng GD-ĐT như trước đây.


Đối với việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, các tổ chức, cá nhân xin cấp phép dạy thêm, học thêm thực hiện theo Luật Đầu tư năm 2014. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh lĩnh vực GD-ĐT với Sở Kế hoạch và Đầu tư, không phải nộp hồ sơ cho Sở GD-ĐT để xin cấp phép. Giáo viên có thể tham gia giảng dạy tại các công ty, doanh nghiệp theo chế độ thỉnh giảng dưới sự đồng ý của hiệu trưởng. Sở GD-ĐT chỉ tham gia phối hợp kiểm tra với tư cách hậu kiểm khi Sở Kế hoạch và Đầu tư mời.


Có thể thấy, quy định về dạy thêm, học thêm đã thoáng hơn trước. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm vẫn có những nguyên tắc (các điều chưa bị bãi bỏ của Thông tư 17 năm 2012) như: không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống… Do ngành GD-ĐT có những đặc thù nên cần có biện pháp phối hợp quản lý hiệu quả giữa các cấp, ngành để việc dạy thêm, học thêm đi vào quy củ cũng như xử lý đồng bộ đối với những trường hợp vi phạm.


H.NGÂN