10:03, 11/03/2020

Nhiều dự án, đề án giáo dục gặp khó

Ngày 11-3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của sở.
 

 

Ngày 11-3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khảo sát kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của sở.
 
Thiếu quỹ đất
 
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, thời gian qua, sở đã triển khai kịp thời, đầy đủ các quy định về quản lý vốn đầu tư công đã được UBND tỉnh giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Đồng thời, sở luôn đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Sở cũng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh trong điều chỉnh nguồn vốn, điều chỉnh hợp đồng… nhằm hoàn thành tốt việc giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được giao.

 

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.
 
Tuy nhiên, vấn đề đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Có 3 dự án gồm: Trường THPT Vĩnh Lương, Trường THPT Tây Khánh Vĩnh, Trường THPT Cam An Nam với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng được bố trí vốn giai đoạn này nhưng chưa thể triển khai, phải xin chuyển sang giai đoạn 2020 - 2025. “Nguyên nhân chính khiến 3 dự án trên không triển khai được là do thiếu quỹ đất, khó khăn trong việc tìm mặt bằng. Đơn cử, dự án Trường THPT Vĩnh Lương đã nhiều lần tìm đất để thực hiện nhưng chưa tìm được. Nơi có vị trí thích hợp thì mức tiền bồi thường để giải phóng mặt bằng lại quá lớn”, ông Nguyễn Thọ - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT cho hay.
 
Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, thực tế hiện nay, các dự án dành cho giáo dục, y tế khi triển khai đều vướng do thiếu quỹ đất. Các dự án thương mại thì xin quỹ đất lúc nào cũng có, nhưng xây dựng trường học, bệnh viện là gặp khó. Nhiều dự án được bố trí vốn nhưng không thể triển khai vì thiếu mặt bằng. “Chúng ta không thể để tình trạng này tiếp diễn, làm ảnh hưởng đến đầu tư công. Thời gian tới, nếu địa phương nào có quỹ đất sạch thì mới phê duyệt kinh phí đầu tư; còn nếu đã phê duyệt nhưng không bố trí được quỹ đất sẽ cắt vốn, chuyển cho dự án khác, không cho chuyển tiếp sang giai đoạn khác”, ông Thịnh đề nghị.  
 
Chậm giải ngân
 
Trong số 15 dự án, đề án đã triển khai, tốc độ giải ngân của nhiều dự án, đề án rất chậm. Cụ thể như: dự án Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ninh Hòa có tổng vốn 46,5 tỷ đồng nhưng hết năm 2019 mới giải ngân được hơn 12 tỷ đồng; Trường THPT Nam Cam Ranh, tổng vốn gần 27 tỷ đồng nhưng đầu năm 2020 mới giải ngân được hơn 1 tỷ đồng. Thậm chí nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng đến đầu năm 2020 vẫn chưa thể giải ngân, điển hình như các dự án: Trường THPT Ninh Sim (vốn gần 34 tỷ đồng), Trường THPT Tây Bắc Diên Khánh (40 tỷ đồng), Trường THPT Bắc Vạn Ninh (gần 35 tỷ đồng). 

 

Đồ chơi ngoài trời cho giáo dục mầm non hiện rất thiếu. File HĐND: Quang cảnh buổi làm việc.
Đồ chơi ngoài trời cho giáo dục mầm non hiện rất thiếu. 
 
Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho biết: “Các dự án chậm giải ngân ngoài việc thiếu mặt bằng, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài còn có một nguyên nhân khác xuất phát từ việc Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ mất nhiều thời gian, điều này khiến cho quá trình thực hiện bị ảnh hưởng”. Theo bà Lý, ngoài các dự án, các đề án cũng gặp khó trong quá trình triển khai. Hiện nay, đề án tăng cường cơ sở vật chất trường mầm non chưa triển khai được khiến điều kiện dạy và học cho lứa tuổi này không được đảm bảo. Ở các trường THPT, thiết bị dạy học cũng rất thiếu. Nhiều trường phải lấy phòng học làm phòng thiết bị. Các phòng thí nghiệm thì thiếu hóa chất, thậm chí nhiều loại hóa chất đã quá hạn sử dụng. Các thiết bị để dạy học trực tuyến cũng thiếu trầm trọng, sở muốn dạy học trực tuyến cho học sinh trong giai đoạn có dịch Covid-19 nhưng cũng khó thực hiện.
 
Với các khó khăn trên, Sở GD-ĐT kiến nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; phối hợp với chủ đầu tư giải quyết khó khăn vướng mắc. Sở GD-ĐT cũng đề xuất HĐND tỉnh xem xét cho chủ trương bổ sung thêm nguồn kinh phí hàng năm để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho các trường. Đồng thời, đề nghị HĐND tỉnh xem xét cho chủ trương bổ sung kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ đề án dạy và học ngoại ngữ đã được tỉnh phê duyệt đầu năm 2019. 
 
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Ngô - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, ban sẽ tiếp thu các kiến nghị của Sở GD-ĐT để đưa ra kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh. Trong quá trình triển khai các dự án, đề án, ngoài việc đợi vốn của Nhà nước, một số đề án sở cũng nên chủ động triển khai theo hình thức xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.   
 
Đình Lâm
 

Giai đoạn 2016 - 2020, Sở GD-ĐT đã làm chủ đầu tư, triển khai 15 dự án, đề án với tổng vốn hơn 585 tỷ đồng. Các dự án, đề án chủ yếu tập trung trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Trong đó, có 11 dự án xây mới các trường học, 2 dự án sửa chữa và 2 đề án tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm đồ chơi ngoài trời. Đến hết năm 2020, dự kiến có 6 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, dự án xây dựng 8 phòng học ở Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa) với tổng vốn hơn 6,4 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các dự án còn lại như các trường THPT: Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Vạn Ninh), Bắc Khánh Vĩnh, Nam Diên Khánh, Bắc Ninh Hòa và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ninh Hòa dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ năm học 2020 - 2021.