Để việc dạy học qua Internet và trên truyền hình đạt hiệu quả trong thời gian học sinh (HS) không đến trường, ngày 19-3, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã có một số lưu ý đối với các phòng GD-ĐT, đơn vị trực thuộc và một số trường nghề.
Để việc dạy học qua Internet và trên truyền hình đạt hiệu quả trong thời gian học sinh (HS) không đến trường, ngày 19-3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa đã có một số lưu ý đối với các phòng GD-ĐT, đơn vị trực thuộc và một số trường nghề.
Nhiều kênh dạy và học
Thời gian nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch học tập và thi cử của HS, nhất là HS cuối cấp. UBND tỉnh đã có quyết định sửa đổi, bổ sung khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 đối với GD mầm non, GD phổ thông và GD thường xuyên trên địa bàn tỉnh (căn cứ theo kế hoạch điều chỉnh lần 1 của Bộ GD-ĐT). Tuy nhiên, mới đây, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học lần 2, lùi thời điểm kết thúc năm học trước ngày 15-7 và lùi kỳ thi sang tháng 8 (từ ngày 8 đến 11-8).
Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ có phương án cắt giảm, tinh giản chương trình nhưng phải đảm bảo chất lượng, không thực hiện tinh giản cơ học mà tinh giản những nội dung không thật sự cần thiết. Đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cũng sẽ được tính toán cân đối lượng kiến thức phù hợp. Theo ông Nguyễn Sinh Cung, Trưởng phòng GD trung học - GD thường xuyên Sở GD-ĐT, trên cơ sở hướng dẫn của bộ, sở sẽ có hướng dẫn ôn tập cho HS lớp 9 và 12 phù hợp với tình hình. Trước mắt, để đảm bảo kế hoạch dạy học và ôn tập cho HS trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, sở đã yêu cầu các cơ sở GD tăng cường các hình thức dạy học qua Internet và qua truyền hình.
Sở đã đề nghị các trường tự tổ chức tập huấn hoặc phối hợp với Viettel Khánh Hòa, VNPT Khánh Hòa tổ chức các phầm mềm dạy học trực tuyến cho giáo viên. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng có phương án hỗ trợ miễn phí các trường tổ chức dạy học qua Internet. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa (KTV) tổ chức sản xuất và phát sóng các chủ đề kiến thức môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh dành cho khối 9 và khối 12 từ ngày 16-3. Ngoài ra, các trường có thể hướng dẫn giáo viên, HS tham khảo lịch phát sóng các bài học (do Bộ GD-ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng) trên Kênh truyền hình GD quốc gia (kênh VTV7 và một số kênh truyền hình trung ương khác) và các kênh truyền hình khác được công bố trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ http://www.moet.gov.vn. Đối với những địa bàn khó khăn hoặc với những HS không có điều kiện học trực tuyến, sở đã yêu cầu các trường chỉ đạo giáo viên phối hợp với phụ huynh để photo tài liệu học và chuyển cho các em. Nhìn chung, dưới nhiều hình thức, các nhà trường đã chủ động phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn HS học và ôn tập.
Đánh giá hiệu quả học trên truyền hình và trực tuyến
Theo ông Nguyễn Sinh Cung, để việc dạy học trên trực tuyến và qua truyền hình đạt hiệu quả, các trường cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác. Công cụ, phần mềm dạy học qua Internet phải phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của trường, bảo đảm tổ chức dạy học qua Internet có chất lượng. Các khóa học, ôn tập trực tuyến phải có kế hoạch quy định cụ thể về thời gian, môn học, lớp, giáo viên và HS thực hiện. Tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn cần rà soát chương trình với các kiến thức trọng tâm để xây dựng các khóa học, chủ đề ôn tập. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho tổ chuyên môn, giáo viên trong việc đưa bài giảng lên hệ thống; phân công người theo dõi, thẩm định nội dung, chất lượng bài soạn trước khi đăng lên hệ thống cũng như theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tự học của HS.
Sở GD-ĐT cũng lưu ý, các trường cần phối hợp với gia đình HS có biện pháp quản lý việc học và nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho các em. Khi HS đi học trở lại, các trường cần tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet và trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học, điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học nhằm tối ưu thời gian, nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
H.NGÂN