Thời gian qua, việc áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đã góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, việc áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đã góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Thực đơn thay đổi luân phiên
Trường Tiểu học Khánh Bình được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Khánh Vĩnh chọn làm mô hình điểm triển khai dự án Bữa ăn học đường trên địa bàn huyện. Cô Nguyễn Thị Lan Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2016 - 2017, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức bữa ăn bởi hạn chế về kiến thức dinh dưỡng, thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn sao cho vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vừa phù hợp với số tiền quy định (học sinh - HS dân tộc thiểu số được hỗ trợ ăn trưa 260.000 đồng/tháng). Các món ăn chưa phong phú và thường xuyên bị trùng lặp. 2 năm học gần đây, bữa ăn bán trú của gần 350 HS đã được xây dựng trên phần mềm, với đầy đủ các món mặn, xào, canh, cơm, ngày thứ 5 trong tuần có thêm trái cây tráng miệng.
Trường Tiểu học Số 1 Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa) được thành lập từ năm học 2013 - 2014. Tuy nhiên, thực đơn cho HS bán trú của trường lúc này chưa chuyên sâu về dinh dưỡng mà chủ yếu thiên về sở thích của HS. Đa số các em không thích ăn rau và cá mà chỉ thích các món rán từ thịt heo. Từ tháng 3-2017, sau khi được tập huấn về dự án bữa ăn học đường, nhà trường đã xây dựng lại thực đơn, luôn thay đổi, luân phiên trong 4 tuần của tháng. Cô Phạm Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học qua có hơn 93% HS bán trú của trường luôn ăn hết suất, tỷ lệ HS béo phì đã giảm, chiều cao của HS tăng tốt hơn…
Mở rộng các trường thực hiện
Dự án Bữa ăn học đường do Bộ GD-ĐT phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia và Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai. Tại Khánh Hòa, dự án được triển khai tập huấn đến 98 trường tiểu học bán trú từ năm 2017 thông qua việc áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Phần mềm cho phép người dùng chọn thực đơn từ ngân hàng sẵn có và đã cân bằng dinh dưỡng với 120 thực đơn, trên 360 món ăn. Người dùng cũng có thể thay đổi thực đơn đa dạng, phù hợp với vùng miền và thực tế địa phương, kiểm tra tính dinh dưỡng của các thực đơn, giúp nhà trường tính toán và quản lý tốt hơn chi phí bữa ăn của HS... Đến năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh mới chỉ có 50/98 trường áp dụng thực đơn từ phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, qua đó góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú trong các trường tiểu học. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn trong việc triển khai như: thay đổi thói quen không thích ăn rau củ quả của HS, kinh phí eo hẹp nên các trường phải hết sức “cân, đo, đong, đếm”...
Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sở sẽ tiếp tục phát triển các trường thực hiện mô hình điểm triển khai hoàn toàn các nội dung của dự án, từ đó nhân rộng đến các trường tiểu học có tổ chức bán trú trên địa bàn toàn tỉnh. Các trường còn lại sẽ có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi dần từ thực đơn cũ sang thực đơn mới cân bằng về dinh dưỡng từ phần mềm của dự án trong các năm học tiếp theo. Công tác giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho HS thông qua áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” và tuyên truyền thông tin của dự án đến cha mẹ HS cũng sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
H.NGÂN