Học nghề vốn được xem là lựa chọn cuối cùng khi học sinh không có cơ hội vào lớp 10 Trung học phổ thông hay vào đại học. Song, với những đổi mới của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong vài năm trở lại đây, xã hội đang từng bước có cái nhìn khác hơn về học nghề.
Học nghề vốn được xem là lựa chọn cuối cùng khi học sinh (HS) không có cơ hội vào lớp 10 THPT hay vào đại học. Song, với những đổi mới của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong vài năm trở lại đây, xã hội đang từng bước có cái nhìn khác hơn về học nghề.
Đại học không phải là con đường duy nhất
Với các hoạt động đa dạng, Ngày hội tư vấn tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp năm 2019 tổ chức ở Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp tỉnh vừa qua đã giúp hơn 800 HS các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh có cái nhìn bao quát và toàn diện hơn về học nghề. Đây là lần đầu tiên chương trình được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Đại học có phải là con đường duy nhất để đi đến thành công hay không? Các chuyên gia tâm lý, các cựu sinh viên tiêu biểu, thành công trong học nghề, lập nghiệp đã phân tích, giải đáp thấu đáo cho các HS những băn khoăn này. Trong đó, có người thừa nhận bản thân đã lãng phí nhiều năm cho 3, 4 tấm bằng đại học, rồi chỉ thành công khi chọn được một nghề thực sự phù hợp.
Cũng tại ngày hội, các HS còn được tìm hiểu sâu hơn thông tin ngành nghề, điều kiện học tập, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của 10 trường như: Cao đẳng Du lịch Nha Trang, Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa, trường trung cấp nghề ở các huyện… Các em cũng được trải nghiệm những phần trình diễn kỹ năng nghề nghiệp, được nghe tư vấn giới thiệu việc làm, nhu cầu việc làm các ngành nghề. Em Nguyễn Tùng Anh, HS Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Nha Trang) chia sẻ: “Em thấy sức học của mình không đủ khả năng để đỗ vào đại học, nên em đang cân nhắc chọn một trường trung cấp nghề hoặc cao đẳng gần nhà để theo học. Em nghĩ rằng, học nghề không chỉ rút ngắn thời gian học tập, mà còn giúp mình có thêm những kỹ năng cần thiết, mình có thể làm đúng ngành nghề theo học, không bỡ ngỡ khi ra trường”.
Nhiều giải pháp thu hút học sinh
Toàn tỉnh hiện có khoảng 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 4 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp và 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Quy mô tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở trình độ cao đẳng là 3.925 sinh viên/năm với 35 nghề đào tạo. Ở trình độ trung cấp, quy mô tuyển sinh là 7.360 HS/năm với 33 nghề đào tạo. |
Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, nhiều trường cao đẳng và trung cấp có cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, đội ngũ nhà giáo có chất lượng, chương trình đào tạo sát với nhu cầu lao động của tỉnh và khu vực. Bên cạnh đó, Nhà nước đang có rất nhiều chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho HS khi theo học các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp như: miễn học phí cho HS tốt nghiệp THCS học tiếp lên trung cấp, tổ chức đào tạo song hành trung cấp và văn hóa THPT để sau 3 năm các em vừa có bằng trung cấp vừa có đủ điều kiện tham gia thi lấy bằng tốt nghiệp THPT, để tiếp tục học liên thông lên cao đẳng và đại học. Bên cạnh đó, còn có các chính sách hỗ trợ học phí học tập, học bổng cho đối tượng chính sách vay vốn học tập, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, vay vốn xuất khẩu lao động... Đặc biệt là các cơ sở đào tạo nghề đã có sự liên kết hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp nên tỷ lệ HS, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có việc làm các năm gần đây rất cao (hơn 90%).
Ngoài chương trình Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho HS lớp 9 và 12 thời gian qua đã được đẩy mạnh và đổi mới hơn về nội dung, phương thức tổ chức. Trong năm học, nhiều trường THCS, THPT đã tạo điều kiện cho các trường trung cấp, cao đẳng nghề tổ chức các buổi giao lưu, tư vấn trực tiếp cho HS, giúp các em chọn được nghề phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện của gia đình và nhu cầu của xã hội. Không ít HS được các thầy cô động viên, tư vấn không tham gia thi tuyển lớp 10 hay thi đại học mà chọn con đường học nghề và trung cấp chuyên nghiệp tại địa phương.
Theo Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 có ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 40% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. Để đạt mục tiêu đó cũng như tiếp tục tạo chuyển biến trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bên cạnh những đổi mới trong công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường, các cấp, ngành cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của xã hội về học nghề và làm tốt hơn công tác phân luồng HS sau THCS và THPT.
H.NGÂN