09:01, 02/01/2019

Học sinh lớp 8 sáng tạo mô hình tưới cây tự động

Quan sát thấy cây xanh trong sân trường sau mỗi dịp nghỉ hè không còn tươi tốt, em Nguyễn Thế Ngọc, lớp 8/5 Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (TP. Nha Trang) đã nảy ra ý tưởng về việc xây dựng một hệ thống tưới cây tự động. Với sự hỗ trợ của cô giáo chủ nhiệm, em cùng với bạn học Hoàng Thị Ngọc Linh cùng bắt đầu mày mò và đạt những thành công bước đầu.

Quan sát thấy cây xanh trong sân trường sau mỗi dịp nghỉ hè không còn tươi tốt, em Nguyễn Thế Ngọc, lớp 8/5 Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Nha Trang) đã nảy ra ý tưởng về việc xây dựng một hệ thống tưới cây tự động. Với sự hỗ trợ của cô giáo chủ nhiệm, em cùng với bạn học Hoàng Thị Ngọc Linh cùng bắt đầu mày mò và đạt những thành công bước đầu.


Thế Ngọc chia sẻ, việc chăm sóc cây xanh trong sân trường thường được thực hiện thủ công, chỉ vào một thời gian nhất định trong ngày nên hiệu quả chưa cao, lại tốn công sức và chiếm nhiều thời gian. Sau chuyến tham quan du lịch ở TP. Đà Lạt, em rất ấn tượng với hệ thống tưới tiêu tự động ở các nhà vườn và bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu về những ưu việt của nhà trồng cây thông minh, các thiết bị kỹ thuật vi xử lý và vi điều khiển. Những ngày đầu bắt tay vào làm không tránh khỏi lúng túng, nhưng nhờ sự ủng hộ và chỉ dẫn của cô giáo và nhà trường, Thế Ngọc và Ngọc Linh đã sớm hoàn thành sản phẩm. Thế Ngọc cho biết: “Trong phạm vi của đề tài, chúng em chỉ thực hiện một mô hình cơ bản của hệ thống tưới tiêu. Điểm khác so với các đề tài mà nhiều bạn học sinh đã làm là chúng em cài đặt các thông số để việc tưới cây được vận hành tự động tùy theo nhiệt độ thời tiết nắng hay mưa, độ ẩm cao hay thấp, thời gian nào trong ngày. Đồng thời, tùy theo nhu cầu độ ẩm của mỗi loại cây trồng, từng thời kỳ sinh trưởng của mỗi loại cây mà có thể tự điều chỉnh tưới theo nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm đất thích hợp. Tất cả các điều kiện đó sẽ được đưa vào hệ thống tính toán và đưa ra thời gian chính xác để bơm nước”.

 

Thế Ngọc và Ngọc Linh lắp đặt, vận hành mô hình  với sự hướng dẫn của cô giáo.

Thế Ngọc và Ngọc Linh lắp đặt, vận hành mô hình với sự hướng dẫn của cô giáo.


Tỏ ra khá thành thạo trong việc lắp đặt, vận hành mô hình, Thế Ngọc và Ngọc Linh hào hứng giới thiệu về các thông số cảm biến như: nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm đất mà các em đo được trên điện thoại thông minh cũng như các thao tác điều khiển thông qua bluetooth với khoảng cách tối đa 80m. Ngọc Linh cho biết: “Hệ thống tưới nhỏ giọt phù hợp với đặc điểm, cảnh quan của trường học, độ ẩm gốc cho cây trồng phát triển tốt, tiết kiệm nước, không gây rửa trôi, không gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và có thể kết hợp bón phân cho cây. Điều quan trọng khi thực hiện dự án là chúng em được mở mang tầm mắt, trải nghiệm nhiều kiến thức mới mẻ như: cách viết chương trình cho một hệ thống, cách xử lý trục trặc của hệ thống máy tính, cách lắp các mạch điện… Sản phẩm hiện nay mới chỉ dừng lại ở mô hình, để áp dụng trong thực tế cần điều khiển và giám sát thêm nhiều thông số. Thời gian tới, chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển dự án để có thể áp dụng trong thực tế”.


Dự án “Xây dựng mô hình hệ thống tưới cây tự động” của hai em đã đạt giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2018 - 2019 cấp tỉnh vừa qua. Cô Nguyễn Khánh Hà - giáo viên bộ môn Hóa - Kỹ thuật công nghiệp, chủ nhiệm lớp 8/5 chia sẻ: “Ngọc và Linh rất ham học hỏi, tâm huyết với dự án. Đây là dự án có tính khả thi cao, có thể áp dụng rộng rãi trong các trường học, các vườn rau trên sân thượng của mỗi gia đình hoặc nhà vườn. Việc nghiên cứu giúp các em vận dụng kiến thức sâu hơn cũng như có thêm niềm đam mê đối với các đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai”. Còn theo cô Võ Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, giải thưởng đã khích lệ các em tinh thần học hỏi, phụ huynh trong trường thêm ủng hộ và đầu tư cho các em tham gia nghiên cứu. Nhà trường sẽ giới thiệu dự án đến với các mạnh thường quân, ban đại diện cha mẹ học sinh để hỗ trợ nhân rộng quy mô, tạo cho cảnh quan nhà trường thêm xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo giáo viên lồng ghép thực tiễn vào các môn học để học sinh bồi đắp niềm đam mê khoa học từ nhỏ, làm hành trang cho nghiên cứu khoa học sau này.


H.NGÂN