Trong khi còn nhiều ý kiến trái chiều trước đề xuất của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc không tổ chức dạy học vào thứ Bảy, mà dành thời gian này cho việc khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động của gia đình và cộng đồng thì tại TP. Nha Trang, nhiều trường đã thực hiện điều này trong những năm học gần đây, mang lại nhiều lợi ích trong công tác dạy và học.
Trong khi còn nhiều ý kiến trái chiều trước đề xuất của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc không tổ chức dạy học vào thứ Bảy, mà dành thời gian này cho việc khuyến khích học sinh (HS) tham gia vào các hoạt động của gia đình và cộng đồng thì tại TP. Nha Trang, nhiều trường đã thực hiện điều này trong những năm học gần đây, mang lại nhiều lợi ích trong công tác dạy và học.
Mới thành lập từ năm 2015 nhưng từ học kỳ 2 của năm học 2015 - 2016, Trường THCS Yersin đã sắp xếp thời khóa biểu cho HS nghỉ học vào ngày thứ Bảy. Thầy Nguyễn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ phòng học, phòng chức năng nên trường sắp xếp lại thời khóa biểu cho HS nghỉ học ngày thứ Bảy mà vẫn đảm bảo đủ chương trình học. Sau 3 năm thực hiện đã mang lại nhiều hiệu quả cho cả HS lẫn giáo viên, nhà trường”.
Thầy Lê Đình Thiên Lộc - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Sào Nam cho biết, đầu năm học 2018 - 2019, trường được bàn giao cơ sở mới khang trang tại đường Thủy Xưởng nên trường cũng sắp xếp cho HS được nghỉ ngày thứ Bảy. Mới đây nhất, Trường THCS Thái Nguyên cũng thực hiện việc này. Cô Phan Thị Thảo Uyên - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Năm nay, trường được trả lại cơ sở ở số 9 Lê Thánh Tôn để bồi dưỡng HS giỏi và phụ đạo HS yếu kém nên dư thêm phòng. Các phòng dư được bố trí thành các phòng mỹ thuật, âm nhạc cho HS. Vì vậy, nhà trường bố trí được lịch học hợp lý hơn cho các lớp và HS được nghỉ ngày thứ Bảy”.
Theo quy định, trong tuần các em có 2 ngày học trái buổi là 2 tiết thể dục và 2 tiết này phải cách nhau 2 ngày. Mỗi buổi chỉ học 1 tiết thể dục rồi về nên gây nhiều khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón HS. Vì vậy, các trường kết hợp cho các em học 1 tiết thể dục, sau đó học tiếp các môn mỹ thuật, âm nhạc và tin học trong cùng một buổi tùy theo thời khóa biểu mỗi lớp. Chương trình học chính còn lại được sắp xếp đầy đủ trong 5 buổi từ thứ Hai đến thứ Sáu trong tuần.
Sau thời gian thực hiện, các trường nhận được những phản hồi tích cực từ HS và giáo viên. Em Trần Nhật Huy - HS lớp 7/1 Trường THCS Yersin nói: “Không học ngày thứ Bảy, em thấy thoải mái hơn, đầu óc được thư giãn và có nhiều thời gian để nghỉ ngơi chuẩn bị cho tuần học tiếp theo. Em còn có thể phụ giúp mẹ việc nhà hay đi chơi cùng gia đình. Và nhất là tiết kiệm được thời gian của bố mẹ, không phải đưa đón nhiều lần”. Còn em Ngô Hạnh Uyên - HS lớp 6/10 Trường THCS Thái Nguyên chia sẻ: “Em rất vui vì vẫn được nghỉ học ngày thứ Bảy như hồi còn học cấp 1. Không chỉ đầu óc thoải mái hơn mà em còn có thêm thời gian để học múa theo sở thích của mình”. Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết - giáo viên Trường THCS Yersin chia sẻ: “Ngày thứ Bảy không phải dạy học, tôi có thêm thời gian soạn giáo án, tổ chức công tác đội của mình tốt hơn và có nhiều thời gian dành cho gia đình mình”.
Không chỉ HS và giáo viên, công tác của nhà trường cũng gặp nhiều thuận lợi khi HS nghỉ học ngày thứ Bảy. HS nghỉ nhưng cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường vẫn làm việc bình thường. “Thay vì phải thực hiện vừa giảng dạy vừa tổ chức các cuộc họp, trường dành thời gian ngày thứ Bảy để họp hội đồng, họp tổ, họp chuyên môn. Chính nhờ có thời gian họp hành rộng rãi hơn, các thầy cô giáo có thêm thời gian để phát biểu, đưa ra ý kiến của mình, góp ý tốt hơn cho công tác của trường. Ngoài ra, khi tổ chức các chương trình tập huấn liên chi đội, hoạt động kỹ năng sống, ngoại khóa, trường cũng huy động HS tốt hơn. Nếu có mưa bão phải nghỉ học, nhà trường sẽ có ngày thứ Bảy để dạy bù”, thầy Nguyễn Dũng cho biết thêm. Tuy nhiên, theo các trường, để thực hiện được việc này thì điều cần thiết là các trường phải có đủ cơ sở vật chất đảm bảo công tác dạy và học.
HÒA TRANG