10:10, 21/10/2018

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số: Học sinh tự tin rõ rệt

Qua nhiều mùa hè ngành Giáo dục và Đào tạo kiên trì thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non và tiểu học người dân tộc thiểu số, các em đã tự tin rõ rệt trong giao tiếp, học tập.

Qua nhiều mùa hè ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) kiên trì thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh (HS) mầm non và tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS), các em đã tự tin rõ rệt trong giao tiếp, học tập.


Đã chuyển biến


Vừa thấy khách bước vào lớp, các HS lớp 1A Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) đã đứng dậy, đồng thanh chào bằng tiếng Việt. Được hỏi, em Cao Thị Kim Sô Ri nói mạch lạc: “Con thích đi học lắm! Đi học có bạn, có cô, vui hơn ở nhà”. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, cô tham gia dạy tăng cường tiếng Việt cho HS DTTS được 3 năm. Nếu như năm đầu tiên, các em rụt rè, hỏi không nói, thì đến nay, các em đã mạnh dạn hơn nhiều. Một số em nhanh chóng hiểu và tham gia các trò chơi vận động sau khi được cô hướng dẫn.

 

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju.


Năm học này, Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju có 271 HS, 100% là HS dân tộc Raglai. Nhìn khung cảnh trường, có thể thấy HS đã có được nề nếp, thói quen tốt. Ngoài mỗi lớp học, giày dép của các em được xếp ngay ngắn. Trong lớp, sách vở được để mỗi loại một ngăn. Trên bàn học, không thấy những dấu bút vẽ bậy… Cô Võ Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, nhờ chủ trương tăng cường tiếng Việt của các cấp, qua nhiều mùa hè, các em có thể tự tin diễn đạt bằng tiếng Việt. Các em cũng được hướng dẫn thói quen giữ gìn vệ sinh… Nhìn chung, các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp.


Tham gia dạy tăng cường tiếng Việt cho HS DTTS nhiều năm, cô Nguyễn Thị Kim Hòa - giáo viên điểm trường Sông Búng (Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây) thừa nhận, so với lớp HS cách đây 5 năm, lớp HS năm nay mạnh dạn hơn nhiều. Thấy khách tới lớp, các em lập tức đứng dậy chào hỏi, không cần nhắc. Sự mạnh dạn đó chính là do các em có vốn tiếng Việt được tăng cường từ lớp 5 tuổi. Tuy nhiên, để các em hiểu được ý nghĩa trừu tượng của tiếng Việt, nói được nhiều câu phức thì vẫn cần tiếp tục được tăng cường tiếng Việt.


Nhiều giải pháp tăng cường


Việc tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt luôn được tỉnh quan tâm và có chính sách, chế độ hỗ trợ riêng. Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1897 điều chỉnh tăng định mức chi đã được quy định từ năm 2010 để hỗ trợ HS, giáo viên tham gia các lớp tăng cường tiếng Việt dịp hè. Theo đó, HS được tăng mức hỗ trợ mua đồ dùng học tập và tài liệu lên 25.000 đồng/em. Giáo viên trực tiếp giảng dạy được hưởng 150% mức lương cơ bản/tháng và hỗ trợ xăng xe 300.000 đồng/tháng. Ban giám hiệu, Ban chỉ đạo cấp xã và cán bộ quản lý phòng giáo dục được hưởng 40% mức lương cơ bản. Điều này góp phần quan trọng động viên HS DTTS và cán bộ, giáo viên trong việc tăng cường tiếng Việt trong hè.


Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho trẻ DTTS sử dụng tiếng Việt, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã tổ chức cho trẻ mầm non, tiểu học học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường. Hàng năm, Sở GD-ĐT đều tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy lớp có trẻ DTTS. Phòng GD-ĐT 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cũng tổ chức bồi dưỡng tiếng Raglai cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non. Các trường tiểu học cũng tăng thời lượng dạy tiếng Việt từ 350 tiết lên 500 tiết cho HS DTTS lớp 1; đồng thời dạy tăng cường tiếng Việt theo hướng tích hợp vào các môn học, các hoạt động ngoại khóa...

 

Hè 2018, toàn tỉnh có 37 trường tiểu học với 68 điểm trường thuộc 6 địa phương (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh và Ninh Hòa) tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt. Có 101 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Tổng số trẻ ra lớp là 1.581 em, đạt 98,44 %.

Đặc biệt, trong nhiều mùa hè, các trường tiểu học đều tổ chức dạy nói tiếng Việt cho trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1. Hè năm 2017, lần đầu tiên, việc tăng cường tiếng Việt được thực hiện ở cả bậc mầm non theo đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, HS tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh”. Toàn tỉnh đã có 33 trường mầm non với 101 lớp thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Cam Ranh, Ninh Hòa dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Với chương trình 180 tiết, 60 bài, trong hè, mỗi tuần, các trường dạy 25 tiết, mỗi buổi 5 tiết (30 phút/tiết). Giữa buổi học có 15 phút để các em vui chơi tập thể. Ngoài ra, các em còn được dạy tập tô, nhận diện chữ cái, số đếm…


Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, chất lượng dạy và học tiếng Việt đối với trẻ DTTS đã có chuyển biến tích cực. Các em nói được những câu cơ bản theo chủ đề đã học, nhận diện được các chữ cái, biết cách cầm bút, ngồi học, viết đúng tư thế, thuộc một số bài hát, có nề nếp học tập; nhiều em còn nhận diện được một số vần đơn giản, luyện nói theo chủ đề đã học từ 2 đến 3 câu. Đây là tiền đề giúp các em học lớp 1 tốt hơn. Do được tập huấn nên chất lượng xây dựng kế hoạch, soạn kế hoạch bài học, tổ chức các hoạt động trên lớp của giáo viên cũng tốt hơn nhiều.


TIỂU MAI