Ngày 18-12-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 31 về việc hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh (HS). Để thực hiện có hiệu quả công tác này tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh...
Ngày 18-12-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 31 về việc hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh (HS). Để thực hiện có hiệu quả công tác này tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các trường đại học tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn tâm lý tại các trường học. Đây là tín hiệu vui, giúp cho các HS an tâm, có nơi để “giải bày tâm sự” với những thầy cô làm công tác tư vấn tâm lý học đường.
Trong nhiều công việc giáo viên phải thực hiện, chủ nhiệm lớp luôn là gánh nặng trên đôi vai của thầy cô như “trăm dâu đổ đầu tằm”. Tuy vậy, sự quan tâm chia sẻ đối với thầy cô chủ nhiệm lớp còn mờ nhạt khi chỉ được khấu trừ 4 tiết dạy/tuần, thế nhưng, khi HS bỏ học thầy cô còn bị xem xét thi đua. Thật sự giáo viên rất trăn trở đối với những trường hợp HS bỏ học và luôn mong muốn ngăn chặn tình trạng này.
Theo cá nhân tôi, nhà trường nên thành lập tổ tư vấn học đường. Tổ tư vấn có trách nhiệm tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư của từng em, nhất là những HS có nguy cơ bỏ học để sớm giúp đỡ kịp thời. Ví dụ như HS học yếu nên tập hợp lại để bồi dưỡng cho các em ngay từ đầu năm học. Ngoài ra, tổ tư vấn cần có kế hoạch giúp đỡ những HS có hoàn cảnh khó khăn bằng việc kêu gọi các nhà hảo tâm đỡ đầu cho từng em, thông qua chi hội khuyến học của trường, hay thành lập quỹ bạn nghèo để có kinh phí hoạt động. Về mặt tinh thần, hàng tuần, tổ tư vấn mời những em có nguy cơ bỏ học đến để động viên, hỏi thăm và phối hợp với các đoàn thể như: đoàn, đội, công đoàn có việc làm thiết thực để giúp các em. Tổ tư vấn cũng kết hợp tốt với chính quyền địa phương động viên gia đình giúp sức HS nghèo. Nếu được, có thể mời chuyên gia tâm lý về trường để tư vấn cho các em.
Ngoài ra, nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, ngoại khóa phong phú, đa dạng hình thức giúp HS bớt căng thẳng, stress trong học tập… Bên cạnh việc ngăn chặn HS bỏ học, tổ tư vấn học đường cũng góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường ngày một gia tăng. Nếu những mâu thuẫn nhỏ của HS sớm được phát hiện, những kỹ năng sống, kìm chế cảm xúc sớm được trang bị cho HS thì hậu quả đáng tiếc không xảy ra.
Trên thực tế hiện nay, công tác tư vấn học đường chưa được các nhà trường quan tâm đúng mức. Bản thân tôi từng được nhà trường cử đi tập huấn về tư vấn học đường do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diên Khánh phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Qua khóa tập huấn, tôi nhận thấy nhiều vấn đề được đặt ra: “Đó là thầy cô hãy tìm đến các em để tư vấn, đừng để các em phải tìm đến thầy cô”. Nhìn nhận lại thì việc này chúng ta chưa làm được, hay nói cách khác là làm qua loa, chưa đi sâu, đi sát nên hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho HS chưa cao.
Hy vọng, với việc thành lập các tổ tư vấn học đường, có những việc làm cụ thể ngay từ đầu năm học sẽ giúp hạn chế được phần nào HS nghỉ học hiện nay, góp phần ngăn chặn bạo lực học đường để giúp giáo viên chủ nhiệm bớt chút gánh nặng chịu trách nhiệm đối với HS bỏ học, đánh nhau.
NGUYỄN VĂN LỰC