10:01, 02/01/2018

Cần sửa đổi, bổ sung quy chế xét tuyển vào lớp 10

Theo phương án tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2018 - 2019 vừa được UBND tỉnh quyết định, năm học tới sẽ là năm thứ 6 toàn tỉnh tiến hành xét tuyển vào lớp 10 (trừ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn).

Theo phương án tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2018 - 2019 vừa được UBND tỉnh quyết định, năm học tới sẽ là năm thứ 6 toàn tỉnh tiến hành xét tuyển vào lớp 10 (trừ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn). Việc xem xét, đánh giá lại cách thức xét tuyển và công tác quản lý điểm số học sinh (HS) là cần thiết.


Điều chỉnh quy chế xét tuyển


Trên cơ sở nhìn nhận rõ và khắc phục những bất cập của các mùa tuyển sinh trước, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi quy chế xét tuyển để đảm bảo công bằng hơn cho các HS. Đơn cử nhất là trường hợp, hàng năm, số lượng HS giỏi đăng ký xét tuyển tập trung vào Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang). Nhưng vì chỉ tiêu có hạn trong khi số lượng HS đông, nên nhiều em dù có điểm giỏi tuyệt đối vẫn bị “bật” khỏi trường này và thậm chí không đậu cả nguyện vọng 2, khiến HS và phụ huynh bức xúc. Vậy quy chế mới phải làm sao để tuyển được các em điểm cao vào những trường top đầu, hoặc ít nhất có thể đủ điều kiện vào học công lập mà không phải “vớt”.

 

Theo cách tính điểm xét tuyển hiện nay, HS học lực giỏi với kết quả điểm trung bình các môn trong năm học từ 9,0 trở lên và HS giỏi đạt từ 8,0 trở lên đều được đánh đồng quy về một mức điểm xét tuyển như nhau. Chỉ đến khi có nhiều HS có điểm xét tuyển ngang nhau thì mới xét đến tiêu chí phụ là điểm năm lớp 9. Vì vậy, Sở GD-ĐT cần có quy định rõ hơn về việc quy đổi điểm để công bằng hơn giữa các HS giỏi đạt mức điểm trung bình 9,0 và 8,0.


Quy chế tuyển sinh mới cũng cần ghi nhận sự cố gắng của HS trong quá trình học tập ở cấp THCS. Chẳng hạn, năm lớp 6 là năm đầu tiên HS bước vào một bậc học mới, môi trường mới, các em còn nhiều bỡ ngỡ nên kết quả học tập có thể không cao như mong đợi. Nếu chỉ đạt học lực khá, thì ngay từ năm lớp 6 các em đã mất hy vọng được vào một trường THPT top trên, dù cho 3 năm sau có cố gắng và đạt thành tích cao đến đâu đi chăng nữa. Vì vậy, Sở GD-ĐT cần bổ sung, sửa đổi quy chế xét tuyển sao cho đánh giá, ghi nhận đúng những nỗ lực của các em. Quy chế phù hợp cũng góp phần tạo thêm động lực cho các em trong suốt quá trình học tập.  

 

Tiết học tại một trường THCS thuộc TP. Nha Trang.

Tiết học tại một trường THCS thuộc TP. Nha Trang.

 

Tăng cường quản lý điểm số


Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý về điểm số của HS ở cấp THCS. Hiện nay, Sở GD-ĐT đã có những quy định trong việc quản lý điểm số của HS. Theo đó, Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra chung học kỳ một số môn cho khối lớp 9 toàn tỉnh; phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố ra đề kiểm tra chung các khối 6, 7, 8 tại địa phương đó; từng trường ra đề kiểm tra chung 1 tiết ở tất cả các môn học. Sở đã tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn cách thức chấm điểm theo barem, đồng thời đưa ra các quy định về việc chấm thẩm định 2 vòng độc lập.


Theo quy định về việc chấm bài kiểm tra học kỳ của khối lớp 9, trước khi tổ chức chấm riêng tại các trường, các phòng GD-ĐT triệu tập tổ trưởng bộ môn các trường THCS để tổ chức cho các thành viên nghiên cứu văn bản hướng dẫn chấm của sở và tiến hành chấm chung 5 bài để nhất quán văn bản hướng dẫn chấm. Bài chấm chung được phòng GD-ĐT chọn ngẫu nhiên của một trường THCS. Các trường THCS khi tiến hành chấm đều tiến hành đánh phách, rọc phách, bố trí giáo viên chấm tập trung, chấm 2 vòng độc lập. Sau khi các trường chấm hoàn tất, các phòng GD-ĐT tổ chức chấm thẩm định 10 bài/môn/trường và lưu trữ lại để phục vụ công tác kiểm tra và chấm thẩm định của sở.


Quy định là vậy, nhưng việc triển khai ở các trường có thực sự đúng như chỉ đạo hay không thì cần đánh giá lại. Chẳng hạn, việc chọn bài chấm chung, chấm thẩm định ở các phòng GD-ĐT có đảm bảo yêu cầu chọn ngẫu nhiên hay không? Khâu kiểm tra công tác chấm 2 vòng độc lập ở các trường được tiến hành như thế nào để đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan trong quá trình chấm? Việc các trường tự ra đề kiểm tra 1 tiết có tuân thủ đúng quy định về ma trận đề, mức độ khó dễ tương đương nhau hay không? Vì vậy, ngành GD-ĐT cần tăng cường quản lý, siết chặt hơn nữa quy trình kiểm tra, kiểm soát về điểm số HS, đặc biệt là ở khâu chấm và báo điểm. Ngoài ra, nên chăng có thêm một số quy định để các trường, các phòng GD-ĐT có thể kiểm tra chéo nhau.


Hy vọng, công tác xét tuyển vào lớp 10 năm học tới sẽ có những điều chỉnh cụ thể, chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng tuyển sinh và không để tuột mất những HS giỏi thực sự.


A.THÁI