Kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND TP. Cam Ranh tổ chức hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 65 thí sinh là những học sinh ưu tú đã đem đến hội thi những câu chuyện xúc động về cuộc đời, ......
Kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND TP. Cam Ranh tổ chức hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 65 thí sinh là những học sinh (HS) ưu tú đã đem đến hội thi những câu chuyện xúc động về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Bác.
Tuy rất quen thuộc với nhiều người nhưng câu chuyện “Đôi dép cao su của Bác Hồ” qua giọng kể của Lê Ngọc Linh - HS lớp 11B5 Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang) vẫn khiến người nghe cảm động bởi cảm xúc chân thật, trào dâng từ chính hoàn cảnh thực tế của em. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mất sớm, đôi chân lại bị khiếm khuyết nên dù học lớp 11 nhưng Linh vẫn như một em bé với chiều cao khiêm tốn. Vượt qua mặc cảm, Linh mạnh dạn tham gia hội thi với câu chuyện “Đôi dép cao su của Bác Hồ” bởi ý nghĩa của câu chuyện. Đó là đôi dép không làm nên giá trị một con người, mà giá trị một con người được làm nên từ sự tự tin, yêu đời, lạc quan. Đôi dép cao su của Bác đã bao lần bị đứt quai nhưng Bác vẫn không thay. Đôi dép đó đã theo Bác hành quân, đi thăm bà con nông dân và cả những chuyến công tác nước ngoài. Từ câu chuyện “Đôi dép cao su của Bác Hồ”, mỗi người chúng ta đều nhận ra một bài học bổ ích, đó là bài học về lối sống giản dị, tiết kiệm... Biết tiết kiệm là biết quý trọng những giá trị vật chất mà con người đã tạo ra... “Với bản thân em, những câu chuyện về Bác là tấm gương, là bài học ý nghĩa. Đôi chân của em tuy khiếm khuyết nhưng là một người bạn đã theo em trong suốt tháng ngày qua. Học tập ở Bác sự lạc quan trước những khó khăn trong cuộc sống, em hài lòng với những gì mình đang có, em sẽ tiếp tục trưởng thành trong một thân hình không thể nào cao lên được...” - với lối kể chuyện nhẹ nhàng mà sâu lắng, giản dị mà chân tình, Linh đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người nghe.
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng hoa cho em Lê Ngọc Linh tại hội thi. |
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Qua hội thi lần này, tôi đề nghị ngành GD-ĐT phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục làm cho toàn ngành, không những trong lứa tuổi HS mà cả đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD các cấp nhận thức sâu sắc hơn nữa những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước mắt, tiếp tục tổ chức cho đoàn viên, thanh niên trong khối các trường trung cấp chuyên nghiệp và tiến tới tổ chức hội thi cán bộ, giáo viên thuyết trình về “Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh với sự nghiệp trồng người”. |
Sở hữu chất giọng Bắc chuẩn và đầy truyền cảm, Vũ Ngọc Anh - HS lớp 9/3 Trường THCS Văn Lang (huyện Vạn Ninh) đã làm cả hội trường lặng đi khi nghe em kể câu chuyện “Bác không đến thăm nhà cháu thì còn đến nhà ai”. Giọng nghẹn ngào, Ngọc Anh kể lại câu chuyện Bác Hồ đến thăm một gia đình nghèo nhất ở Hà Nội trong dịp giao thừa xuân 1962. Đó là gia đình chị Nguyễn Thị Tín - người phụ nữ gánh nước thuê ở khu vực phố Hàng Chĩnh. Trong đêm giao thừa, nhà nhà quây quần đón Tết, nhưng chị Tín vẫn phải đi gánh nước thuê đổi lấy gạo, tiền mua quà bánh Tết cho 4 đứa con mồ côi cha. Khi nghe tin có khách ghé thăm nhà mình, người phụ nữ nghèo khổ xoay người lại nhìn những vị khách, rồi chị thảng thốt, bàng hoàng buông rơi đôi quang gánh, chiếc thùng sắt rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Chị chạy bổ tới, quì xuống, ôm choàng lấy chân vị lãnh tụ rồi khóc nấc lên: “Bác... sao Bác lại đến thăm nhà cháu?”. Bác Hồ rưng rưng nước mắt: “Nhà cháu mà không đến thì Bác còn đến nhà ai!”. Không giấu nổi sự xúc động khi nghe Ngọc Anh kể chuyện, anh Hà Nhân - một khán giả đến theo dõi hội thi tâm sự: “Tôi đã nghe câu chuyện này rất nhiều lần. Nhưng lần này, câu chuyện được kể bằng chất giọng trong trẻo, hồn nhiên của các HS nên tôi thấy lòng mình dâng lên bao niềm cảm xúc. Từ câu chuyện, ta càng thấm thía một điều rằng: Có những chân lý của đời sống lại hiện ra trong những điều rất bình thường, giản dị. Song đó là cái giản dị, bình thường đã đạt đến đỉnh cao của một trí tuệ, một tâm hồn vĩ đại”.
Đây là lần đầu tiên Sở GD-ĐT tổ chức hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với quy mô toàn tỉnh. 65 HS tham dự hội thi là những nhân tố xuất sắc được tuyển chọn qua hội thi các cấp trong năm học 2012 - 2013. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao 11 giải nhất, 14 giải nhì, 21 giải ba và 17 giải khuyến khích cho các thí sinh. Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng Ban Giám khảo hội thi đánh giá: “Hội thi có chất lượng chuyên môn cao. Các đơn vị dự thi đều có sự chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng từ nội dung đến hình thức thể hiện. Nhiều phần thi kết hợp giữa chuyện kể với những giai điệu da diết hay múa phụ họa đã tạo sự sinh động, thu hút người xem. Có nhiều em kể rất tự nhiên, nhập tâm; câu chuyện đã đem lại cho khán giả nhiều cảm xúc thiêng liêng, như được sống lại với những ngày tháng có Bác”. Ngay từ khi phát động, hội thi đã trở thành một hoạt động chính trị - xã hội sâu rộng của toàn ngành GD-ĐT trong việc học tập và làm theo theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất của cán bộ, đảng viên, giáo viên, HS trong toàn tỉnh.
THU HIỀN