20:32, 29/05/2024

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 
​​​​​​​Tập trung tháo gỡ để đảm bảo giải ngân 100% vốn

HỒNG ĐĂNG

Từ đầu năm đến nay, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi (gọi tắt là chương trình) gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai. Tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp, phần lớn do gặp vướng mắc về đất đai, thủ tục. Các địa phương, sở, ngành, Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp trong quá trình triển khai nhằm nỗ lực giải ngân 100% vốn chương trình trong năm 2024.

Giải ngân chưa tới 30 tỷ đồng

Kế hoạch vốn ngân sách thực hiện chương trình trong năm 2024 hơn 270 tỷ đồng. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, nguồn vốn này đã phân bổ được hơn 200 tỷ đồng. Tính đến tháng 5-2024, ước giải ngân gần 30 tỷ đồng, chiếm 11,4% vốn đã phân bổ, trong đó có 20 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà cho người dân và xây dựng công trình nước sạch.

Năm 2024, có hơn 125,7 tỷ đồng được dùng để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân. Theo kế hoạch là hỗ trợ đất ở cho 36 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 1.231 hộ nghèo tại các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh và đầu tư 5 công trình nước sinh hoạt tập trung. Đối với nội dung hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 348 hộ dân thiếu đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 9 hộ tại vùng ĐBDTTS và miền núi, các địa phương đang tích cực rà soát hồ sơ để thực hiện.

Các dự án, tiểu dự án thành phần khác đang gặp khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình giải ngân vốn đầu tư. Năm nay, ngân sách nhà nước dành hơn 61 tỷ đồng triển khai việc hỗ trợ ĐBDTTS phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trong đó có hơn 11 tỷ đồng được dùng để chi trả cho hộ dân nhận giao khoán, bảo vệ rừng, tuy nhiên đến nay chưa giải ngân được. Ngoài ra, hơn 50 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng ĐBDTTS và miền núi; đến nay, các địa phương đang thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

Đầu tư cơ sở hạ tầng tại xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn.
Đầu tư xây cầu tại xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn.

Một số nội dung có vốn đầu tư vừa phải nhưng cũng gặp khó khăn trong giải ngân, chẳng hạn như hơn 5 tỷ đồng tiếp tục thực hiện 2 công trình trường phổ thông dân tộc nội trú chuyển tiếp từ năm 2023 đến nay mới giải ngân chưa tới 1,7 tỷ đồng; hoặc hơn 3 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú cũng mới giải ngân được gần 450 triệu đồng.

Các nội dung như: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc (hơn 1,7 tỷ đồng); phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động vùng ĐBDTTS và miền núi (hơn 4,5 tỷ đồng); chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng, chống suy dinh dưỡng (hơn 5,9 tỷ đồng) mới dừng lại ở mức độ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Việc đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp mới chỉ giải ngân được 232 triệu đồng/7,8 tỷ đồng. Nội dung bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và các địa phương đã triển khai thực hiện được một số nội dung, nhưng cũng mới chỉ giải ngân được 101 triệu đồng/hơn 4,8 tỷ đồng...

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, có nhiều nguyên nhân khiến cho quá trình giải ngân vốn đầu tư thực hiện chương trình còn thấp, nhưng chủ yếu là vướng mắc về thủ tục đầu tư. Một số công trình cần đủ thời gian theo quy định mới hoàn tất các thủ tục về đấu thầu, đầu tư. Ngoài ra, không ít hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở nhưng lại vướng mắc về đất đai, như: Chưa đứng tên sở hữu diện tích đất xây dựng nhà, còn nợ nghĩa vụ tài chính về đất đai… Chưa kể, so với dự toán ban đầu, đến nay, một số dự án không còn đối tượng thực hiện, không đủ điều kiện để giải ngân, hoặc giải ngân đạt thấp. Do đó, Ban Dân tộc tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu các thủ tục trình HĐND tỉnh điều chuyển sang các dự án khác. Chẳng hạn như tiểu dự án 1 của Dự án 9 về hỗ trợ cho ĐBDTTS còn nhiều khó khăn trong vay vốn phát triển kinh tế, đến nay chưa có hướng dẫn và đang tạm dừng thực hiện, chờ chuyển sang thực hiện các dự án.

Tại buổi làm việc mới đây của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình và đảm bảo giải ngân 100% vốn được giao thực hiện chương trình trong năm 2024; tham mưu tỉnh tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, quy định về xây dựng, thủ tục thực hiện dự án...; tham mưu UBND tỉnh văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Khánh Sơn và UBND huyện Khánh Vĩnh thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số 111 ngày 18-1-2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Một góc xã miền núi Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh
Một góc xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh.

Ngoài nguyên nhân khách quan, việc giải ngân chậm, nhất là đối với nguồn vốn sự nghiệp còn có nguyên nhân chủ quan. Chẳng hạn như các dự án liên quan đến: Y tế, giáo dục, đào tạo nghề, bình đẳng giới, chăm sóc phụ nữ, trẻ em; công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát thực hiện chương trình... có đầy đủ cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện và đã được cấp vốn, nhưng các địa phương chậm xây dựng kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm nên đến nay tỷ lệ giải ngân từ các nội dung này còn thấp. Theo Ban Dân tộc tỉnh, các địa phương cần khẩn trương triển khai những dự án đã có đầy đủ điều kiện; tập trung hướng dẫn các tổ, nhóm cộng đồng, hoàn thiện các phương án - kế hoạch sản xuất và phê duyệt theo quy định để hỗ trợ và giải ngân trong nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất.

Trong buổi làm việc mới đây của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, ông ĐINH VĂN THIỆU - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với các kiến nghị của Ban Dân tộc tỉnh, trong đó yêu cầu các địa phương giải quyết xong vướng mắc về đất đai, xây nhà cho người dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở trong tháng 6-2024; tập trung giải ngân vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế, góp phần giải quyết sinh kế ổn định cho nhân dân. Các địa phương, sở, ngành, Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình triển khai, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tham mưu tỉnh giải quyết những vấn đề quá thẩm quyền nhằm đảm bảo chương trình được triển khai đầy đủ, đúng quy định, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

HỒNG ĐĂNG