Ngay từ đầu năm, Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, kết quả thu không cao so với tiến độ kế hoạch theo dự toán pháp lệnh năm 2023.
Chỉ đạt 66% dự toán
Theo báo cáo của Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa, thu ngân sách nhà nước 9 tháng của toàn đơn vị được hơn 263,8 tỷ đồng, đạt 66% dự toán pháp lệnh năm 2023, giảm hơn 44,6 tỷ đồng (tương đương giảm 14%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, địa bàn huyện Diên Khánh thu được hơn 182 tỷ đồng, đạt 64% dự toán, giảm gần 34,9 tỷ đồng so với cùng kỳ; huyện Khánh Vĩnh thu được hơn 81,7 tỷ đồng, đạt 71% dự toán, giảm hơn 9,7 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Công nhân của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Nguyên Hùng xây dựng công trình. |
Một trong những nguyên nhân số thu đạt thấp do sau đại dịch Covid-19, DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và thương nghiệp phục hồi rất chậm và chưa chắc chắn; nguồn thu trên địa bàn chủ yếu từ các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác tài nguyên - khoáng sản nên không có tính ổn định, chịu ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố khách quan. Trong khi đó, các DN trên địa bàn có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính yếu nên khó mở rộng hoặc chuyển hướng đầu tư ngành nghề khác để phục hồi sản xuất, kinh doanh; thị trường bất động sản không còn sôi động nên nhiều khoản thu từ đất sụt giảm; tình hình nợ thuế ngày càng tăng, diễn biến phức tạp; một số DN sau một thời gian hoạt động, phát sinh nợ thuế lớn đã bỏ địa chỉ kinh doanh dẫn đến không thu hồi được nợ thuế… Ngoài ra, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngành Thuế đang thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn, gia hạn các khoản nộp cho người nộp thuế nên đã ảnh hưởng đến kết quả thu.
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Nguyên Hùng (thị trấn Khánh Vĩnh) chia sẻ: “Sau đại dịch Covid-19, DN gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng; giá cả vật tư, hàng hóa ngày càng tăng… Là DN hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nên cần nguồn tài nguyên là đất, cát phục vụ công trình; thế nhưng tài nguyên chủ yếu tận thu trên địa bàn, không có hóa đơn chứng từ nên DN không được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế. Ngoài ra, hiện nay, tỷ lệ tạm ứng 30% trên giá trị công trình (đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước) là tương đối thấp, đề nghị tăng tỷ lệ tạm ứng vốn lên 50% giá trị công trình để DN thanh toán các khoản chi phí vật tư, nhân công, giảm bớt khó khăn cho DN”.
Triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu
Theo ông Trần Sơn Nam - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, không dễ để đơn vị hoàn thành được chỉ tiêu pháp lệnh năm 2023. Trong bối cảnh đó, Chi cục Thuế tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác chống thất thu qua kiểm tra tại DN, kiểm tra hồ sơ khai thuế tại địa bàn, khảo sát tình hình kinh doanh của hộ kinh doanh, kiểm tra xử lý việc ngừng, nghỉ kinh doanh không đúng quy định… nhằm giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế. Cùng với đó, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu công trình kịp thời thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường liên quan đến công trình. Đối với những đơn vị thi công vãng lai ngoài tỉnh, các đơn vị trực thuộc có giải pháp quản lý, làm việc ngay từ đầu, yêu cầu kê khai thuế đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt vãng lai phù hợp với nguồn vốn đầu tư, kế hoạch giải ngân, hạn chế thấp nhất tình trạng công trình đã nghiệm thu quyết toán, thanh toán vốn nhưng chưa nộp đầy đủ các khoản thuế phát sinh; liên hệ Kho bạc Nhà nước, chủ đầu tư các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách để đôn đốc thu thuế vãng lai, thu phát sinh và nợ thuế; phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị cung cấp danh sách cấp phép xây dựng cho các đội thuế khu vực đưa vào quản lý thuế theo quy định.
Chi cục Thuế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu UBND các địa phương ban hành thông báo đôn đốc thu nợ, tổ chức đối thoại với những DN thường xuyên có số nợ thuế lớn, nợ trên 90 ngày; thực hiện tốt công tác phối hợp trong quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên trái phép và chống thất thu; tăng cường công tác cưỡng chế thu hồi nợ khối cá thể, thông báo danh sách hộ nợ lớn trên hệ thống phát thanh các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, chi cục tiếp tục bám sát chỉ đạo của ngành, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành dự toán, triển khai đôn đốc công tác thu; đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra thuế tại DN, bảo đảm hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023.
Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: "Để hoàn thành dự toán cả năm, về phía địa phương tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành tích cực hỗ trợ cơ quan thuế trong công tác thu ngân sách; chỉ đạo tốt công tác phối hợp trong quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, chống thất thu ngân sách nhà nước. Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch thu hồi nợ thuế đã được phê duyệt từ đầu năm; kiên quyết áp dụng biện pháp đối với các DN nợ thuế lớn, kéo dài (không cho tham gia đấu thầu thực hiện những công trình, hạng mục thuộc vốn ngân sách); công khai thông tin người nộp thuế còn nợ thuế trên hệ thống phát thanh địa phương; DN cố tình lẩn tránh, không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản để thu hồi nợ thuế theo quy định".
C.VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin