23:50, 15/05/2023

Nông dân tham gia xử lý rác thải hữu cơ

Hồng Đăng

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam triển khai vừa được khởi động trên địa bàn tỉnh. Dự án hướng đến việc giảm tác động xấu đến môi trường và tận dụng rác thải hữu cơ trong quá trình sản xuất, chế biến nông nghiệp.

Ông Đỗ Văn Hải triển khai thử nghiệm nuôi sâu canxi và trùn quế.
Ông Đỗ Văn Hải triển khai thử nghiệm nuôi sâu canxi và trùn quế.

Theo ông Trương Tấn Hùng - Phó Chủ tịch HND tỉnh, những năm qua, các hoạt động nông dân bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được triển khai sâu rộng và đạt được những kết quả tích cực. Toàn tỉnh có hàng trăm mô hình nông dân bảo vệ môi trường, đó là các tổ thu gom rác thải của nông dân, mô hình nông dân xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ... Nông dân cũng tích cực tham gia phong trào bỏ rác đúng nơi, đúng giờ theo quy định, xây dựng các hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi, vệ sinh đường làng, ngõ xóm… Đối với rơm rạ sau thu hoạch lúa đều được tập kết, thu gom và phục vụ cho mục đích ủ phân bón, làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, Trung ương HND Việt Nam triển khai Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, Khánh Hòa là 1 trong 5 địa phương đi đầu trong việc triển khai các nội dung của dự án. Cụ thể, dự án được triển khai thí điểm tại 9 xã, gồm: Vạn Hưng, Xuân Sơn, Vạn Lương (huyện Vạn Ninh); Ninh Thượng, Ninh Phụng, Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa); Diên Thọ, Bình Lộc, Suối Hiệp (huyện Diên Khánh). Trong 6 nội dung chính của dự án, đến nay, các hoạt động nhằm thúc đẩy các tổ nhóm nông dân tham gia xử lý rác thải hữu cơ đang được triển khai nhằm hoàn thành mục tiêu thực hiện 24 buổi sinh hoạt trong 2 năm 2023 và 2024. Tại các buổi sinh hoạt này, các hội viên nông dân tham gia dự án thực hiện tuyên truyền, vận động thêm các thành viên khác trong tổ, nhóm tham gia xử lý rác thải hữu cơ. Ông Lê Ngọc Tuấn - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, HND tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có hàng trăm lớp tập huấn về kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế đã được triển khai tại 9 xã thực hiện dự án. Qua tập huấn, nhiều hộ nông dân đã triển khai áp dụng và bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan.

Theo ông Trương Thanh Hòa - Chủ tịch HND thị xã Ninh Hòa, tại 3 xã tham gia dự án trên địa bàn thị xã, sau khi được tập huấn kỹ thuật, hiện nay, mô hình ủ phân hữu cơ từ việc lên men phụ phẩm cây trồng đã được 2 hộ nông dân ở Ninh Phụng và Ninh Thọ triển khai; mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày được 4 hộ nông dân ở 2 xã này áp dụng; mô hình nuôi trùn quế bằng thùng sinh học triển khai tại xã Ninh Thượng… Tại xã Diên Thọ, sau khi được tập huấn về phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, HND xã đã triển khai mô hình nuôi thử nghiệm sâu canxi và trùn quế tại hộ nông dân Đỗ Văn Hải ở Chi hội thôn Lễ Thạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HND xã cho biết, 2 đối tượng nuôi này tiêu thụ rác thải hữu cơ, thức ăn thừa… Bản thân sâu canxi sau gần 1 tháng nuôi, trùn quế sau 2 tháng nuôi có thể thu hoạch và trở thành thức ăn bổ dưỡng, sạch cho gà, vịt, heo, cá… Ngoài ra, phân của trùn quế còn giúp tăng độ phì nhiêu và độ ẩm cho đất. Qua khảo sát tại hộ nuôi thử nghiệm, kết quả bước đầu cho thấy, sâu canxi và trùn quế sinh trưởng, phát triển tốt. Hộ thử nghiệm đang xây bể xi măng thay cho thùng xốp để mở rộng quy mô trong thời gian tới. Quan trọng hơn, đây là phương pháp hiệu quả để chuyển đổi chất thải hữu cơ thành thức ăn dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm và phân bón giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, thân thiện với môi trường. Hội sẽ nhân rộng trong thời gian tới.

Theo ông Trương Tấn Hùng, trong thời gian tới, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng hàng trăm mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng; nuôi sâu canxi; nuôi trùn quế nhằm tạo cơ sở thực tiễn về hiệu quả kinh tế và xã hội từ việc áp dụng chuyển đổi chất thải hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong xử lý chất thải theo hướng bảo vệ môi trường.

Theo lãnh đạo HND tỉnh, từ nay đến năm 2024, mỗi năm sẽ có 3 chuyến tham quan, học tập các mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ trong và ngoài tỉnh được tổ chức nhằm giúp các hội viên, nông dân tìm hiểu, học tập để nhân rộng. Đồng thời, từ tháng 2-2023 đến tháng 12-2024, có 8 cuộc hội thảo, hội nghị tuyên truyền, đối thoại... sẽ được tổ chức nhằm trang bị cho các hội viên, nông dân kỹ thuật xử lý, cách thức phân loại rác thải hữu cơ, kỹ thuật chuyển đổi chất thải hữu cơ từ thực phẩm và trong sản xuất nông nghiệp...

 

Hồng Đăng