09:10, 02/10/2022

Xã Khánh Nam: Mong có thêm cây cầu kiên cố

Hiện nay, nhiều hộ dân canh tác, sản xuất tại đội 6, thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh) mong được đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố nối từ thôn về trung tâm xã nhằm thuận lợi hơn trong lưu thông, vận chuyển nông sản, phát triển đời sống kinh tế.

Hiện nay, nhiều hộ dân canh tác, sản xuất tại đội 6, thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh) mong được đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố nối từ thôn về trung tâm xã nhằm thuận lợi hơn trong lưu thông, vận chuyển nông sản, phát triển đời sống kinh tế.


Sống và sản xuất tại đội 6, thôn Hòn Dù khoảng 40 năm nay, mong muốn lớn nhất của ông Huỳnh Hữu Phúc là có được cây cầu kiên cố đủ rộng để vận chuyển hàng nông sản về trung tâm xã và huyện Khánh Vĩnh để bán. Ông Phúc cho biết, gia đình ông có hơn 3,3ha trồng bưởi da xanh và chuối, mỗi lần thu hoạch, để vận chuyển từ vườn về trung tâm xã, ông phải chia nhỏ ra để chở bằng xe máy, lưu thông qua cầu treo bắc qua sông Giang. Đây là con đường ngắn nhất để lưu thông, nhưng cầu treo chỉ đủ để chở nông sản bằng xe máy nên phải chở rất nhiều lần. Nếu muốn chở số lượng lớn, ông phải dùng máy cày chở hàng băng qua sông Giang ngay dưới chân cầu treo, nhưng chỉ được trong mùa nước cạn, còn từ sau tháng 7 âm lịch đến Tết là nước lớn, không đi được. Còn một đường khác để về trung tâm huyện là đi vòng qua xã Diên Đồng, xa hơn nhiều và đường đi không thuận lợi.

 

Cầu treo nối từ đội 6, thôn Hòn Dù về trung tâm xã Khánh Nam.

Cầu treo nối từ đội 6, thôn Hòn Dù về trung tâm xã Khánh Nam.


Gần đó, gia đình ông Lê Văn Giỏi mỗi lần thu hoạch trái cây từ 5ha vườn cũng phải vận chuyển rất nhiều lần bằng xe máy chở qua cầu treo để về trung tâm huyện. Những lần thu hoạch với số lượng lớn, ông Giỏi phải thuê máy cày băng qua sông Giang với giá 200.000 đồng/chuyến. Vì vậy, ông rất mong có thêm một cây cầu kiên cố có thể lưu thông được bằng ô tô để thuận tiện chở nông sản hơn.


Ông Đặng Thành Nhân - Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cho biết, hiện nay, tại đội 6, thôn Hòn Dù của xã có khoảng 100 hộ dân với 320 nhân khẩu sinh sống và canh tác. Diện tích canh tác, sản xuất tại khu vực này khoảng 600ha, trong đó khoảng 320ha trồng các loại cây ăn trái như: bưởi, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, chuối; phần diện tích còn lại trồng mía, keo. Hiện nay, để qua thôn Hòn Dù, người dân di chuyển bằng cầu treo được đầu tư xây dựng từ khoảng năm 2010. Tuy nhiên, cầu treo này chỉ có thể lưu thông bằng xe máy nên chỉ phục vụ nhu cầu di chuyển thông thường. Để thu hoạch nông sản từ thôn Hòn Dù mang về trung tâm xã hoặc huyện, người dân phải chia nhỏ vận chuyển bằng xe máy qua cầu treo; với số lượng lớn, người dân phải thuê máy cày để vận chuyển băng qua sông Giang đoạn ngay dưới cầu treo, hình thức này chỉ áp dụng được vào mùa khô và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vào mùa mưa, nước lớn, người dân phải chờ thương lái đến thu mua với giá thấp, hoặc nông sản bị hư hỏng do không vận chuyển được hết.


Cũng theo ông Nhân, khu vực đội 6, thôn Hòn Dù chiếm khoảng 30% diện tích sản xuất của toàn xã. Do đó, nhu cầu có một cây cầu kiên cố để kết nối, lưu thông phục vụ sản xuất cho khu vực này rất cần thiết. Vừa qua, UBND xã đã có báo cáo gửi Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đề xuất nhu cầu công trình cần thiết với mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ đồng. Nếu công trình được xem xét đầu tư sẽ đáp ứng nhu cầu của rất nhiều hộ dân tại thôn Hòn Dù cũng như trên địa bàn xã và các xã lân cận.


VĨNH THÀNH