Thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn bám sát cơ sở để chăm lo, tuyên truyền, triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn nạn "tín dụng đen" xâm nhập đội ngũ đoàn viên, người lao động; đồng thời phối hợp với các công ty tài chính, ngân hàng triển khai hỗ trợ công nhân, lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn bám sát cơ sở để chăm lo, tuyên truyền, triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen” xâm nhập đội ngũ đoàn viên, người lao động (NLĐ); đồng thời phối hợp với các công ty tài chính, ngân hàng triển khai hỗ trợ công nhân, lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Sập bẫy “tín dụng đen”
Khoảng tháng 3-2022, do cần gấp một khoản tiền để giải quyết việc gia đình nên anh Bùi Công T., công nhân hàn của một xưởng cơ khí ở phường Phước Long (TP. Nha Trang) đã gọi điện theo số trên một tờ rơi cho vay tiền và được tư vấn bằng những lời “có cánh”. Sau khi đưa chứng minh nhân dân và hộ khẩu photo, anh T. ký vào tờ giấy vay và được vay 30 triệu đồng. 2 tháng đầu, anh T. xoay sở trả được khoản tiền lãi 3 triệu đồng/tháng. Sang tháng thứ 3, 4, anh không có khả năng để trả nên các đối tượng cho vay tìm đến nhà uy hiếp, đe dọa. Vì lo sợ, anh T. đã đưa vợ con về quê ngoại tá túc. Lúc này, khoản nợ của anh T. đã lên gần 70 triệu đồng. Do liên tục bị đe dọa, anh T. tiếp tục đi vay ở các đối tượng khác để trả nợ. Cứ vậy, lãi mẹ đẻ lãi con, đến nay, anh T. phải gánh khoản nợ hơn 600 triệu đồng nên buộc phải bán nhà để trả nợ…
Qua nắm bắt của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, những năm qua, có nhiều trường hợp đoàn viên, NLĐ trên địa bàn tỉnh bị dính bẫy “tín dụng đen”. Có những công nhân, tuy chỉ vay số tiền vài triệu đồng nhưng khi không trả nợ, lãi đúng hẹn, người vay và cả người thân của họ thường xuyên bị gọi điện đe dọa, gây ảnh hưởng đến tâm lý. Thậm chí, những đối tượng này còn gọi điện, nhắn tin đến cả lãnh đạo doanh nghiệp, công đoàn, nơi người vay đang làm việc để đe dọa.
Bà Trương Thị Thu - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu kinh tế tỉnh cho biết: “Thời gian qua, có một số công nhân, cán bộ công đoàn cơ sở bị các đối tượng lạ gọi điện, nhắn tin đe dọa về việc có đoàn viên, người thân vay tiền những không trả nợ. Điều này đã gây tâm lý lo lắng cho đoàn viên, NLĐ và cán bộ công đoàn”.
Bám sát tuyên truyền, hỗ trợ cho đoàn viên
Để góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có công văn đề nghị các cấp công đoàn tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa nạn “tín dụng đen” trong công nhân, lao động. Theo đó, các cấp công đoàn chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua phương tiện thông tin cơ sở, mạng xã hội. Trong đó, tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để công nhân, lao động biết, cảnh giác và tố giác. Công đoàn các cấp tăng cường triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động về: Tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, trao “mái ấm công đoàn”... Trên cơ sở những thỏa thuận hợp tác giữa công đoàn với các ngân hàng, công ty tài chính hợp pháp để hiện thực hóa cung cấp dịch vụ phù hợp cho công nhân, lao động, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho họ…
Bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2022, LĐLĐ tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một số ngân hàng thương mại. Trong thời gian tới, hai bên sẽ nghiên cứu, triển khai các gói chính sách ưu đãi dành cho đoàn viên, NLĐ. Ngoài ra, các cấp công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở đã chủ động phối hợp với công an địa phương mở nhiều đợt tuyên truyền về “tín dụng đen” cho đoàn viên, NLĐ nhằm giúp họ nâng cao hiểu biết, cảnh giác với các chiêu trò vay nợ…
Để giải quyết nhu cầu bức thiết về tín dụng ưu đãi dành cho công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị các cấp công đoàn phổ biến rộng rãi tới công nhân, lao động về gói vay 20.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo 2 công ty tài chính tiêu dùng thuộc HDBank và VPBank triển khai phục vụ công nhân, lao động. Do đó, trong thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ bám sát, kết nối giúp công nhân, lao động được tiếp cận. Thời hạn vay từ 3 tháng đến 3 năm, với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất thị trường. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập vào công nhân, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp; bám sát triển khai các hoạt động chăm lo thiết thực đối với những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn…
Từ năm 2007 đến nay, thông qua chương trình mái ấm công đoàn, các cấp công đoàn đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa gần 500 căn nhà cho đoàn viên với số tiền hơn 15 tỷ đồng. Thông qua nguồn Quỹ quốc gia về việc làm do Tổng LĐLĐ Việt Nam ủy thác hơn 1,1 tỷ đồng, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện cho 23 dự án vay vốn để giúp người thân đoàn viên, NLĐ đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, công đoàn đã tích cực vận động, ký kết hơn 30 bản thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chương trình phúc lợi, qua đó có gần 50.000 đoàn viên, NLĐ được hưởng lợi. |
VĂN GIANG