Nhiều năm qua, nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm đã giúp cho hàng nghìn lượt hội viên Hội Người mù tỉnh có điều kiện tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều năm qua, nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm đã giúp cho hàng nghìn lượt hội viên Hội Người mù tỉnh có điều kiện tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.
Vươn lên từ nguồn vốn vay hỗ trợ
Ông Nguyễn Hà Anh (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) bị khiếm thị từ nhỏ. Bằng nghị lực, ông đã vươn lên có công việc làm và thu nhập ổn định. Năm 2004, ông vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm 2 triệu đồng, đến thị xã Ninh Hòa mua đót về làm chổi. Rồi ông đăng ký theo học nghề xoa bóp bấm huyệt; đồng thời làm đơn vay 5 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm thuê nhà mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt trên đường Dã Tượng (phường Phước Long, Nha Trang).
Làm ăn hiệu quả, ông Hà Anh trả hết nợ, rồi tiếp tục làm đơn vay thêm 15 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị cho cơ sở xoa bóp bấm huyệt. Đến nay, cơ sở của ông tạo việc làm cho 8 người, trong đó có 6 người khiếm thị với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Đa số những người làm tại cơ sở được ông lo ăn, ở miễn phí. Ông còn dạy nghề cho hơn 10 người khiếm thị khác; giờ đây, hầu hết họ đã có việc làm hoặc mở cơ sở riêng. Ông Hà Anh chia sẻ: “Nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm đã giúp tôi vươn lên, ổn định cuộc sống. Ngoài mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt người mù, tôi còn nhận chổi đót, tăm tre của những người cùng cảnh ngộ bán hàng ngày. Hiện nay, mỗi tháng, gia đình tôi có thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng”.
Cũng bị khiếm thị, ông Nguyễn Tuấn (phường Phước Tiến, Nha Trang) đã vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm 15 triệu đồng đầu tư mở cơ sở massage người mù. Bằng nghị lực, ông đã từng bước phát triển kinh tế, mở được 2 cơ sở massage người mù, tạo việc làm cho khoảng 30 người đồng cảnh ngộ với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Hay ông Nguyễn Anh Tuấn, hội viên Hội Người mù TP. Nha Trang cũng vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm mở Cơ sở massage Hạnh Phúc, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 20 người khiếm thị…
Tại huyện Vạn Ninh, đã có 116 người khiếm thị tiếp cận được nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm để phát triển kinh tế gia đình. Tiêu biểu có ông Trần Văn Dũng (thị trấn Vạn Giã) đã vay 20 triệu đồng đầu tư mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt, giúp tạo việc làm cho 3 người khiếm thị; ông Phan Ngọc Hiệu (thị trấn Vạn Giã) vay 18 triệu đồng mở quán bán đồ ăn sáng, nhờ đó có thu nhập ổn định…
Cần bổ sung nguồn quỹ
Từ năm 1992 đến nay, với số vốn hơn 632 triệu đồng, Hội Người mù tỉnh đã giải quyết cho 1.552 lượt hội viên vay vốn xoay vòng với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng. Trong quá trình quản lý, hội đã thực hiện cho vay đúng đối tượng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả, hoàn trả vốn gốc và lãi đúng kỳ hạn và không có trường hợp nợ quá hạn. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn này đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hội viên, giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 40% xuống chỉ còn 8,86%/tổng số hội viên. |
Theo ông Nguyễn Hà Anh, nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm là nguồn trợ lực rất quan trọng giúp người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay, mức cho vay từ nguồn quỹ này còn khá hạn chế. Mỗi hội viên người mù được vay tối đa 20 triệu đồng là rất thấp. Chính vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần xem xét, bổ sung thêm nguồn vốn, nâng cao suất vay cho người khiếm thị.
Ông Lê Văn Thắng - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, hiện nay, toàn hội có 1.038 hội viên. Từ năm 1992 đến nay, hội chỉ được Trung ương Hội Người mù Việt Nam phân bổ hơn 632 triệu đồng nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm. Hội phải tính toán, phân bổ nguồn vốn cho hội viên vay hợp lý, đảm bảo ai cũng có thể tiếp cận vốn. Vì vậy, suất vay cao nhất cũng chỉ được 20 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với suất vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo, cũng như các tổ chức hội khác. Qua khảo sát, nhu cầu vay vốn của hội viên Hội Người mù tỉnh rất lớn, trong khi nguồn vốn rất hạn hẹp. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương cần xem xét bổ sung thêm nguồn vốn cho hội nâng cao suất vay, tạo thêm nguồn lực cho người khiếm thị đầu tư làm ăn, vươn lên trong cuộc sống, giảm bớt sự phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng xã hội.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhiều năm qua, nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm đã giúp cho nhiều người khuyết tật, nhất là người khiếm thị tiếp cận đầu tư mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt, làm tăm tre, chổi đót, làm nhang…, thu nhập rất hiệu quả. Tuy nhiên, do nguồn vốn ít nên suất vay thấp khiến nhiều người muốn đầu tư mở rộng, nâng cấp trang thiết bị để làm ăn đều gặp khó. Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các cấp, ngành, địa phương xem xét, cân đối bổ sung vốn để hội viên Hội Người mù tỉnh được tiếp cận nguồn lực…
VĂN GIANG